19/11/2021 04:24
Nhiều người đã tùy tiện uống thuốc hạ sốt hoặc uống nước lá tía tô trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để dự phòng sốt cao, giảm đau nhức…Các chuyên gia y tế cho rằng, việc làm này không cần thiết và cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19, mặc dù chưa có dấu hiệu sốt, nhưng chị L.T.H.C (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã mua thuốc hạ sốt uống để đề phòng sốt cao về đêm. Chị C. cho biết vài người bạn của chị cũng uống thuốc hạ sốt sau tiêm vắc xin và thấy có hiệu quả nên khuyên chị thực hiện.
Còn anh D.T.T. (ở xã Ea M’Nang, huyện Cư M’Gar) vốn bị mắc bệnh viêm gan B nên rất ngại dùng thuốc hạ sốt bởi theo anh, uống thuốc hạ sốt sẽ không tốt cho gan. Chính vì thế, khi được thông báo tiêm vắc xin phòng COVID-19, anh T. đã bảo vợ mua lá tía tô về giã vắt lấy nước uống trước khi tiêm đề phòng sốt cao và đau nhức sau tiêm vắc xin. Thậm chí anh T. còn uống liên tục 2 lít nước lá tía tô trong một ngày trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, các triệu chứng thường gặp, như: đau tại vị trí tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, sưng nề tại chỗ tiêm ….là những biểu hiện thông thường, chỉ kéo dài trong vài ngày và sẽ tự biến mất. Vắc xin giúp chúng ta khỏi mắc bệnh, việc có các phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình là dấu hiệu cho thấy vắc xin và hệ thống miễn dịch của chúng ta đang hoạt động. Do đó, mọi người không nên dùng thuốc hạ sốt tùy tiện trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để dự phòng sốt vì việc làm này ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin. Với các trường hợp sốt sau tiêm vắc xin COVID-19, nếu sốt cao từ 38,5°C trở lên có thể sử dụng thuốc hạ sốt có hoạt chất Paracetamol hoặc tuân thủ liều lượng thuốc được khuyến cáo. Tuyệt đối không dùng quá liều thuốc hạ sốt vì nếu dùng thuốc hạ sốt không đúng liều có thể hại gan, thậm chí khi uống thuốc liên tiếp không theo chỉ định có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc gây nguy hiểm cho chức năng gan, thậm chí tử vong. Trường hợp sau tiêm vắc xin mà sốt cao (trên 39 độ C), uống thuốc hạ sốt không đáp ứng thuốc cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.
Đối với những giải pháp phòng đau nhức và sốt cao bằng cách uống nước lá tía tô được không ít người tin dùng đều không phù hợp và chưa có bằng chứng khoa học về việc này. Bởi trong Y học cổ truyền, lá tía tô là vị thuốc có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh. Lá tía tô giúp ra mồ hôi, chữa ho, giúp tiêu hóa tốt, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, trị ngộ độc, nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá, cành tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp…Do đó, uống nước tía tô trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay giảm các tác dụng phụ do vắc xin. Quan trọng hơn, nếu người dân uống nước lá tía tô hoặc dùng các bài thuốc dân gian khác để tránh việc không may có phản ứng phản vệ xảy ra sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, các bác sĩ sẽ khó xác định nguyên nhân nếu có biến chứng xảy ra sau tiêm văc xin. Do đó, khi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 chỉ cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi sức khỏe sau khi tiêm.
Không nên tùy tiện uống thuốc hạ sốt trước và sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, trừ trường hợp sốt trên 38,5 độ C
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân là việc làm cần thiết trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Khi tiêm vắc xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm… Đây là cách cơ thể phản ứng với vắc xin và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, những người được tiêm vắc xin cần chú ý 5 điểm sau:
“Thứ nhất, luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng COVID-19. Thứ hai, không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Bởi theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin. Ngoài ra, không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng. Thứ ba, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, bởi sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A. Cùng đó, nên ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Thứ tư, nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Thứ năm, thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có sốt dưới 38,5 độ C: cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất”.
Các bác sĩ cũng lưu ý, ngoài tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc điều trị bệnh lý đầy đủ. Không được ngừng thuốc trước và sau tiêm, vì việc tiêm chủng vắc xin không ảnh hưởng đến việc điều trị hay chưa điều trị, trong đó có những người bị viêm gan B, C đang dùng thuốc kháng vi rút. Với những người đang dùng hằng ngày các thực phẩm chức năng hay thuốc hỗ trợ điều trị như: các loại vitamin tổng hợp hay thuốc bổ gan cũng cần tiếp tục sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị suy giảm chức năng gan, tăng cường thể lực, đề kháng./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác