15/12/2021 03:50
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi đã nhiễm bệnh, người bệnh có nguy cơ diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong. Đối với những người có bệnh lý nền hoặc sức đề kháng yếu, trong đó có các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khi nhiễm COVID-19 tình trạng sẽ nặng hơn so với những người khỏe mạnh khác. Do đó, người bệnh HIV/AIDS cần thực hiện các biện pháp được khuyến cáo phòng ngừa để bảo đảm an toàn sức khỏe của bản thân trong mùa dịch COVID-19.
Theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2021, số trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 82 trường hợp, giảm 27 trường hợp so với năm 2020, có 05 trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS tử vong, giảm 07 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Các trường hợp nhiễm mới phân bố rải rác khắp 15/15 huyện/thị xã/thành phố và đã có 178/184 xã có người nhiễm HIV. Trong năm 2021, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện được duy trì ở tất cả các phòng tư vấn, số trường hợp được tư vấn giảm 3,98%. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV được quản lý tại cộng đồng thấp và chưa có can thiệp đẩy mạnh hoạt động này nên tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình còn thấp. Cũng trong năm 2021, tỷ lệ người bệnh HIV/AIDS được xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV đạt 14,3%. Tính đến năm 2021, lũy tích toàn tỉnh có 2.578 bệnh nhân HIV và 1.440 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS.
Bệnh nhân HIV được bác sĩ khám và tư vấn tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk
Thực tế hiện nay vi rút HIV và bệnh AIDS chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người đã nhiễm HIV phải sống chung với vi rút suốt đời. Để sống chung với bệnh, hằng ngày, bệnh nhân HIV phải sử dụng thuốc ARV để ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông thường người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn so với người bình thường, chính vì vậy, khi bệnh nhân HIV mắc COVID-19, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ cao hơn so với những người khác. Chính vì vậy bản thân người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn so với người bình thường để chủ động đề phòng dịch bệnh COVID-19 cho bản thân mình và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh. Theo bác sĩ Đào Thị Hảo, Phó trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tình trạng nhiễm HIV được phát hiện càng muộn thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác sẽ càng cao hơn. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc hạn chế đến những nơi công cộng, đông người để phòng lây nhiễm COVID-19 khiến nhiều người dân e ngại đến các cơ sở y tế để thực hiện việc xét nghiệm HIV nhằm sớm biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Ngoài ra, do diễn biến dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân HIV gián đoạn trong quá trình sử dụng thuốc ARV khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yết, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.
Để đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch COVID-19, các bệnh nhân HIV/AIDS cần chú ý tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ điều trị như uống thuốc đúng liều, đúng giờ... Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám, điều trị HIV để được tư vấn, hướng dẫn. Nếu có các bệnh mãn tính khác đi kèm như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì cần phải thực hiện khám, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, nhằm kiểm soát tốt các bệnh nói trên. Đồng thời, nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng; luyện tập thể dục đều đặn. Đây là cách tốt nhất để giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, đồng thời cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tránh xa người đang ho, ốm; rửa/vệ sinh tay thường xuyên; hàng ngày vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc. Nếu có các biểu hiện như sốt, ho, mệt mỏi, khó thở, người bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
bệnh nhân HIV/AIDS cần chú ý tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khôn lường. mỗi tổ chức, các nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì sức khỏe cộng đồng, tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của địa phương. Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới và đảm bảo 100% trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị ARV cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác