06/01/2022 12:39
Trong trận chiến phòng chống dịch COVID-19 không tránh khỏi những hiểm nguy, đặc biệt đối với các y bác sĩ nơi tuyến đầu. Và thực tế thời gian qua đã có không ít y, bác sĩ, nhân viên y tế trở thành F0, chịu rủi ro, nguy hiểm giống như nhiều bệnh nhân COVID-19 khác. Song, bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, bất kể nguy hiểm, lây nhiễm chéo trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân, những “chiến binh” ấy vẫn thầm lặng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nỗ lực cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19.
Tham gia vào công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay từ những ngày đầu Bệnh viện dã chiến số 01 mới đi vào hoạt động, hộ lý Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1983, trú tại phường Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột) hàng ngày được phân công làm nhiệm vụ dọn dẹp, thu gom rác, quét dọn, vệ sinh phòng cho bệnh nhân và khu vực thay đồ của các y, bác sĩ tại bệnh viện. Nhận thức được nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong quá trình làm việc, chị Huyền luôn cố gắng tuân thủ chặt chẽ các quy tắc bảo hộ, đều đặn lấy mẫu xét nghiệm test nhanh định kỳ cho bản thân. Tuy nhiên, vào đầu tháng 9/2021, trong đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc định kỳ, nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, hộ lý Nguyễn Thị Thanh Huyền không khỏi lo lắng. “Bản thân tôi mắc bệnh rối loạn tiền đình và hơi thừa cân béo phì nên khi bị lây nhiễm chéo mắc COVID-19 tôi khá bất an, lo lắng. Do quá trình làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19, liên tục tiếp xúc bệnh nhân, tôi cũng không thể nhớ được mình nhiễm bệnh từ ai và lúc nào. Tuy nhiên, vượt trên tất cả những lo lắng đó, được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, được người thân, anh em, bạn bè, đồng nghiệp động viên, khích lệ, trong quá trình điều trị tôi luôn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực nhất, giữ tâm trạng thoải mái, chú ý ăn uống đầy đủ nâng cao sức đề kháng để chiến đấu với bệnh tật. Nhờ đó, sau 13 ngày điều trị, tôi đã khỏi bệnh. Sau khi xuất viện và tự cách ly theo dõi tại nhà, tôi trở lại với công việc hộ lý tại Bệnh viện Y học Cổ truyền. Mặc dù đã từng là F0, nhưng nếu được sự phân công của lãnh đạo, tôi vẫn sẽ sẵn sàng tiếp tục tham gia vào công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”, hộ lý Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Tuân thủ chặt chẽ các quy tắc bảo hộ được phân công làm nhiệm vụ dọn dẹp, thu gom rác, quét dọn, vệ sinh phòng cho bệnh nhân
Giống như đồng nghiệp của mình, bác sỹ Phan Anh Tú (Khoa Nội – Tổng hợp Bệnh viện Y học Cổ truyền) cũng bị lây nhiễm chéo trở thành F0 sau nhiều ngày phục vụ công tác khám, phân loại các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại Khu cách ly tập trung Khu Ký túc xá Trường Đại học Tây Nguyên. Những ngày đầu nhiễm bệnh, các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, mất vị giác khiến bác sĩ Tú càng thấu hiểu nỗi lo lắng của các bệnh nhân đang điều trị. Bởi vậy, trong quá trình điều trị COVID-19, bản thân là một người bác sĩ, mỗi khi đỡ mệt, bác sĩ Tú lại tham gia hỗ trợ, chăm sóc cho những F0 cùng tầng điều trị nhằm truyền năng lượng tích cực, cổ vũ, khích lệ giúp các bệnh nhân có thêm động lực để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
Cường độ công việc cao, rất vất vả nên nguy cơ lây bệnh cho nhân viên y tế là khó tránh khỏi
Cũng bị lây nhiễm chéo trong quá trình chăm sóc bệnh nhân F0, hộ lý H’Lịch Kbuôr (sinh năm 1989, ở buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk) không khỏi lo lắng. Làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm y tế huyện Krông Búk, liên tục tiếp xúc bệnh nhân, trong quá trình làm việc chị H’Lịch luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm lý có thể bị lây nhiễm chéo. Và khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, không có nhiều thời gian để lo lắng, H’Lịch tranh thủ những lúc sức khỏe cho phép, lại lao vào công việc thường ngày của mình là chăm sóc cho các bệnh nhân. “Bởi vì công việc của tôi là ngày ngày chăm sóc cho bệnh nhân, tôi coi nguời bệnh như là người nhà của mình, cố gắng chăm sóc tốt nhất cho họ, vì đây là công việc của mình, nên dù có mắc bệnh bản thân tôi vẫn nỗ lực vượt qua, sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh”, hộ lý H’Lịch chia sẻ.
Chứng kiến anh em, đồng nghiệp của mình nhiễm bệnh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 01 đã rất xót xa, ông cho biết: Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho gần 5.000 bệnh nhân COVID-19. Lúc cao điểm, có ngày Bệnh viện phải điều trị cho hơn 1.100 bệnh nhân, điều này gây quá tải cho bệnh viện khi lực lượng nhân viên y tế còn mỏng. Cường độ công việc cao, rất vất vả nên nguy cơ lây bệnh cho nhân viên y tế là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng, vì bệnh nhân, vượt lên các khó khăn, nguy hiểm, các cán bộ nhân viên y tế đã vượt qua được cơn bệnh, tiếp tục chiến đấu vì bệnh nhân của mình.
Tính đến ngày 05/01/2022, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 12.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có hơn 60 y, bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ. Con số phơi nhiễm khi thi hành nhiệm vụ nơi tuyến đầu là không nhỏ, phản ánh đúng mức độ phức tạp của dịch bệnh tại tỉnh, cho thấy sự hy sinh, dấn thân không ngần ngại của lực lượng y tế trong công tác chống dịch COVID-19. Chia sẻ về sự hy sinh, cống hiến của lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, cuộc chiến chống COVID-19 ở tỉnh có thể còn kéo dài. Những thầy thuốc, cán bộ y tế sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Các cấp chính quyền, lãnh đạo ngành y tế và mỗi người dân đều thấu hiểu và hết sức trân trọng. “Ở đây cũng phải ghi nhận sự cống hiến quên mình tất cả vì bệnh nhân phục vụ. Thay mặt cho ngành Y tế, là người đứng đầu ngành, tôi hết sức ghi nhận sự đóng góp hy sinh của tất cả nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch của tỉnh. Bên cạnh đó ngành y tế cũng kêu gọi, vận động các tổ chức đoàn thể cũng như các cơ quan ủng hộ cho nhân viên y tế bằng nhiều hình thức có thể là thăm hỏi, hoặc là hỗ trợ đặc biệt là hỗ trợ trang thiết bị và cần nhất là sự thông cảm, đồng hành của người dân đối với ngành Y tế.”
Những F0 nơi tuyến đầu chống dịch chính là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với người bệnh, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để cùng nhau đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh. Và dù biết còn nhiều khó khăn, thậm chí có thể vô tình bị lây nhiễm chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, chỉ cần người dân được khỏe mạnh, dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi thì họ, các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch vẫn sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân/.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác