18/07/2022 02:49
Trong tự nhiên có không ít loại động, thực vật có chứa những độc tố tự nhiên và có khả năng gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người sử dụng. Để hiểu thêm về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và xử trí khi nghi ngờ ngộ độc cũng như cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Tiết – Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Đắk Lắk về những nội dung liên quan về vấn đề này.
PV. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết tình hình ngộ độc do độc tố tự nhiên trên địa bàn tỉnh những năm gần đây (từ năm 2020 – 2022)?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 – 2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 236 người mắc, có 221 người phải nhập viện điều trị và 01 trường hợp tử vong. Trong đó, có 10 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên với 43 người mắc và 01 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do người dân có thói quen hái và sử dụng các loại rau rừng, rễ và quả cây rừng, nấm hoang dại, cóc, côn trùng… Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên thường có số người mắc thấp nhưng số lượng người tử vong lại chiếm tỷ lệ cao.
Đoàn liên ngành kiểm tra công tác ATTP tại cơ sở.
PV. Thưa bác sĩ, những loại thực phẩm nào chứa độc tố tự nhiên tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Trong tự nhiên có không ít loại động vật, thực vật có chứa những độc tố tự nhiên, có khả năng gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người ăn nhầm hoặc do chế biến không đúng cách. Các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm 2 loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, cóc, mật cá trắm, con so... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau rừng, nấm hoang dại, củ sắn, rễ và quả cây rừng, khoai tây mọc mầm…
PV. Xin bác sĩ cho biết dấu nhận biết ngộ độc do ăn, uống phải thực phẩm chứa độc tố tự nhiên?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Tùy vào loại thực phẩm và lượng tiêu thụ thực phẩm, cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hội chứng về thần kinh với biểu hiện với các mức độ khác nhau như nôn ói, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, co giật, hôn mê hoặc mạch nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, khó thở, ngừng thở kèm theo hội chứng về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy. Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái thực phẩm.
PV. Thưa bác sĩ, khi có những dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc do độc tố tự nhiên cần xử trí như thế nào?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Trong quá trình sử dụng thực phẩm, nếu có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc do độc tố tự nhiên cần nhanh chóng gây nôn tại nhà, sau đó khẩn trương đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy hô hấp, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong. Ngoài ra, cần giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ, thậm chí là bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc. Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp can thiệp dự phòng trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng loạt, các cơ quan chức năng có thể kịp thời thông báo và ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.
Sử dụng nấm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ để phòng ngừa ngộ độc.
PV. Khuyến cáo của bác sĩ trong việc phòng tránh ngộ độc do độc tố tự nhiên?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Thông thường, ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 - 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc. Để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, người dân tuyệt đối không chế biến, không ngâm rượu, không ăn các loại động vật như cóc, cá nóc, mật cá trăm… và các loại thực vật như nấm hoang dại, rau rừng, rễ và quả cây rừng, khoai tây mọc mầm, của sắn, các loại hạt bị mốc... Khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời./.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Thực hiện: Võ Quỳnh – Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác