17/08/2022 02:04
Thời gian gần đây, bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH), số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng bắt đầu tăng nhanh trở lại. Điều này dấy lên hồi chuông báo động về khả năng bùng phát dịch COVID-19 trở lại trong thời gian tới nếu người dân tiếp tục chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong công tác tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 11/7, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh là 171.243 trường hợp, 265 trường hợp tử vong, số ca mắc trong vòng 7 ngày (từ ngày 5/7-11/7) là 99 trường hợp. Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, số bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng. Đến ngày 16/8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 171.834 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 221 trường hợp, tử vong 266 trường hợp, số ca mắc trong vòng 7 ngày qua là 187 trường hợp. Kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tính đến ngày 15/8 đối với người từ 18 tuổi trở lên và trẻ từ 12-17 tuổi mũi 1, mũi 2 đã đạt 100%. Tuy nhiên, đối với người từ 18 tuổi trở lên mũi 3 đạt 83,8%, mũi 4 đạt 57,4%. Trẻ từ 12-17 tuổi mũi 3 đạt 60% và trẻ từ 5 đến 11 tuổi mũi 1 đạt 82%, mũi 2 đạt 32,1%. Mặc dù thời gian qua ngành y tế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, song hiện nay kết quả tiêm mũi 4 ở một số huyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Theo đánh giá của CDC, một trong số những nguyên nhân khiến kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chưa đạt kế hoạch đề ra chính là một số lượng lớn người dân đã mắc COVID-19 trong những tháng qua, đặc biệt số mắc cao trong tháng 3 và đầu tháng 4, nên đa số người dân không đủ thời gian để tiêm mũi tiếp theo và một số đối tượng đủ thời gian để tiêm nhưng có tâm lý chủ quan và không muốn tiêm liều vắc xin tiếp theo. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ phận người dân lo sợ phản ứng tại mũi tiêm tiếp theo do mũi tiêm trước từng có phản ứng, kèm theo tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng và nếu mắc bệnh cũng không còn nghiêm trọng nên nhiều người dân chủ quan không tiêm các mũi vắc xin tiếp theo.
Nhiều bệnh lý nền và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên khi mắc covid bệnh nhân phải nhập viện điều trị
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện nay số bệnh nhân nhập viện điều trị vì COVID-19 tăng nhanh trở lại, trong đó có không ít bệnh nhân vừa mắc cả SXH và COVID-19 khiến công tác điều trị gặp không ít khó khăn. Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cùng với SXH, bệnh nhân mắc COVID-19 trong 1 tháng trở lại đây có hiện tượng gia tăng trở lại. Nếu như khoảng 1 tháng trước, số bệnh nhân điều trị COVID-19 hầu như không ghi nhận trường hợp nào nhưng trong những tuần qua, đặc biệt trong tuần qua, khoa đã tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 20 bệnh nhân mắc COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị đều thuộc nhóm trung bình và nặng. Đặc biệt, trong đó có một số trường hợp bệnh nhân mắc 1 lúc cả 2 bệnh SXH và COVID-19 trên nền cơ địa suy giảm miễn dịch, có những bệnh lý nền mãn tính và các trường hợp này diễn tiến sức khỏe rất nặng nề.
Đang mang thai hơn 20 tuần nhưng phải nhập viện điều trị vì mắc COVID-19, chị H’ Liom Triết (trú tại xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) lo lắng chia sẻ: Vì đang mang thai nên tôi thật sự lo lắng, không yên tâm, sợ không biết liệu có ảnh hưởng gì đến con hay không. Đây là lần đầu tiên tôi mắc COVID-19, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu. Bản thân tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, mũi thứ 3 tôi bận đi hái cà phê nên không đi tiêm. Sau đó mặc dù có cơ hội đi tiêm tôi nghe mọi người nói tiêm vắc xin về bị mất trí nhớ với khiến thuốc cấy tránh thai không có tác dụng nên tôi không tiêm các mũi tiếp theo nữa. Tuy nhiên, bây giờ khi mắc COVID-19 tôi thấy rất hối hận vì đã không tiêm đủ các mũi vắc xin. Đây là một bài học đối với tôi và tôi sẽ nhắc nhở chồng và người thân nên đi tiêm đủ các mũi vắc xin phòng bệnh.
Chăm sóc cha mình đang điều trị vì mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên, anh Lê Phú Hiếu (trú tại xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Cách đây mấy ngày khi ở nhà ông có biểu hiện sốt, khó thở. Khi tới khám tại bệnh viện, các bác sĩ test thì kết quả cha tôi mắc COVID-19. Hiện sức khỏe của cha tôi vẫn còn yếu nên gia đình rất lo lắng. Bản thân cha tôi đã lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền, sức khỏe yếu nên đến nay cha tôi vẫn chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trước đây gia đình có đưa ông ra bệnh viện huyện nhưng vì sức khỏe ông quá yếu nên chưa tiêm được. Còn lại các thành viên trong gia đình ai cũng tiêm đủ 3 đến 4 mũi vắc xin phòng COVID-19. Có lẽ cũng nhờ tiêm vắc xin đầy đủ mà khi cha tôi mắc COVID-19, mọi người trong nhà đều test nhưng không ai mắc bệnh này.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến hết sức phức tạp do đó người dân không nên chủ quan mà cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh do ngành y tế khuyến cáo. Cho đến hiện nay, công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là bệnh COVID-19 thành công phần lớn là ở vắc xin. Do đó, mỗi người dân cần tiêm đủ 4 mũi vắc xin theo quy định của Bộ Y tế. “Thực tế bệnh SXH và COVID-19 đều do vi rút gây ra nhưng cơ chế của 2 bệnh này hoàn toàn khác nhau. Đối với bệnh SXH, khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút sẽ tấn công vào thành mạch, gây thoát huyết tương, sốc. Còn đối với vi rút SARS-CoV-2, khi vào cơ thể sẽ tấn công vào phổi gây suy thở. Biểu hiện lâm sàng giai đoạn đầu của 2 bệnh có thể có những điểm chung nhưng sau ngày thứ 3, thứ 4 sẽ có biểu hiện khác biệt. Đối với SXH sẽ sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, mệt, có thể có xuất huyết. Đối với COVID-19 sẽ có biểu hiện viêm long đường hô hấp, tức ngực, khó thở. Đó là những biểu hiện dễ nhận biết ban đầu của SXH và COVID-19. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, nếu có bất cứ vấn đề gì bất thường thì cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà”, bác sĩ Lâm nhấn mạnh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mang thai hơn 20 tuần mắc covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Trước việc gia tăng trở lại các trường hợp mắc COVID-19 và diễn biến phức tạp của dịch SXH, nguy cơ hiện hữu dịch chồng dịch (bệnh COVID-19 và SXH Dengue) cùng khả năng xâm nhập, xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) ngày 14/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 2841 về việc chủ động, quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và khống chế dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, phát tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình... tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ. Tiếp tục truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch "2K" (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19; thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ cao, học sinh trước ngày tựu trường, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân…
Bài: Mai Lê; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác