05/02/2018 12:00
Vào dịp trước, trong và sau tết nguyên đán là thời điểm nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, là cơ hội để những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân yên tâm đón tết, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang khẩn trương tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất, chế biến hàng hóa, kinh doanh ăn uống và nhất là các nhóm thực phẩm được tiêu dùng phổ biến trong dịp tết.
Đoàn liên ngành tiêu hủy sản phẩm đã hết hạn sử dụng
Thời điểm này, nhiều gia đình đã và đang mua sắm các mặt hàng phục vụ tết như: các loại bánh, kẹo, mứt, các loại hạt, khô bò, dưa, củ kiệu, thịt cá…, các loại nước giải khát, bia, rượu .v.v…. Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan thì việc chọn được những thực phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý là điều mà các chị em nội trợ luôn trăn trở. Chị Đinh Thị Mơ, ở xã Băng Ađrênh, huyện huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk lo lắng: “Thực phẩm ngoài thị trường năm nay nhiều mẫu mã đẹp, bắt mắt. Nhưng sợ hàng giả, hàng kém chất lượng nên tôi thường vào siêu thị mua hàng cho yên tâm, mặc dù chất lượng không biết có đảm bảo không?”. Còn chị Nguyễn Thị Nhàn- xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk thì bộc bạch: “Mỗi khi mua hàng, tôi đều nhìn bao bì, nhãn mác và hạn sử dụng. Nếu đủ các điều kiện trên tôi mới yên tâm. Còn hàng mà đóng thùng, cân ký như các loại mứt, kẹo ngoài chợ tôi không dám mua”.
Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp tết, trước tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, các cửa hàng gia đình, siêu thị mini hay chợ là những cơ sở được Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh tập trung kiểm tra thường xuyên hơn. Qua kiểm tra, hầu hết những cơ sở kinh doanh các loại mặt hàng này cơ bản đã chấp hành tốt các quy định về pháp lý, như: nguồn gốc hàng hóa, giấy tờ kinh doanh, giấy khám sức khỏe, giấy công bố hợp quy các sản phẩm đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm v.v…Tuy nhiên do cách bố trí, sắp xếp hàng hóa chưa hợp lý khiến nhiều mặt hàng bị lẫn vào trong, khó kiểm soát dẫn đến nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng mà chủ cơ sở vẫn không hề hay biết. Đơn cử, như: sữa chua, sữa tươi, váng sữa, bánh mì, kẹo và các loại gia vị chế biến thức ăn. Với những lỗi vi phạm này, đoàn kiểm tra liên ngành đã nhắc nhở, hướng dẫn cách bố trí phù hợp, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm đã hết hạn sử dụng ngay tại thời điểm làm việc.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống cũng là một trong những loại hình phục vụ người dân vào dịp tết rất cao. Nhu cầu về tiệc tùng, lễ hỏi, cưới thường tập trung vào những dịp cuối năm. Để có được lợi nhuận cao, nhiều cơ sở kinh doanh đã nhập hàng hóa giá rẻ mà không để ý đến chất lượng, không đảm bảo vệ sinh. Kiểm tra hai cơ sở dịch vụ ăn uống Nhà hàng Thế Sơn và quán Vườn Xanh ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đều có nhiều vi phạm. Tại cơ sở dịch vụ ăn uống Nhà hàng Thế Sơn, mặc dù cơ sở này đã hoạt động được hơn một năm, song, ngay thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, khi kiểm tra thực tế tại nơi chế biến, đoàn đã phát hiện nhiều gia vị, thực phẩm đã hết hạn sử dụng, một số không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ, thứa ăn sống và chín để lẫn lộn trong tủ lạnh….tại quán Vườn Xanh, chủ cơ sở chưa trang bị phòng thay bảo hộ lao động, lavabo rửa tay cho nhân viên; nhân viên chưa khám sức khỏe định kỳ; một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng và không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng .v.v…
Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn liên ngành đã lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở Nhà hàng Thế Sơn tạm ngưng hoạt động đến khi có giấy phép kinh doanh. Đồng thời, đoàn cũng đã tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Đối với quán Vườn Xanh, đoàn đã tiến hành nhắc nhở, yêu cầu khắc phục những thiếu sót, tồn tại, hướng dẫn hoàn thiện các loại giấy tờ liên quan, đồng thời hủy các loại sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Theo bác sỹ Trần Văn Tiết- Phó Chi cục Trưởng Chi cục an toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra số 2 cho biết: “Với những cơ sở hoạt động lâu năm nếu kiểm tra phát hiện những tồn tại không đáng có, như: hết hạn sử dụng hay nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đoàn tiến hành lập biên bản và xử lý nghiêm, tránh sự việc tái diễn. Còn những cơ sở mới hoạt động, do chưa am hiểu, đoàn sẽ nhắc nhở, đồng thời hướng dẫn để họ hoàn thành các thủ tục giấy tờ liên quan, cách bảo quản thực phẩm cũng như quá trình chế biến thức ăn .v.v…. để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Được biết, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 23.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý trên 1.000 cơ sở. Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, huyện, xã đã thành lập được 709 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành với 11.659 cơ sở được kiểm tra. Trong đó, số cơ sở đạt yêu cầu là 8.768 cơ sở, chiếm tỷ lệ 75,2%. Số cơ sở vi phạm, các đoàn đã phạt hành chính với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Như vậy, với 24,8 % cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là con số không phải nhỏ. Và tình trạng sai phạm trong an toàn thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dự báo, tình hình buôn bán, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng vì lợi nhuận sẽ bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lợi dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng.
Vì vậy, để người dân vui tết an toàn, ngoài sự cố gắng của lực lượng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng, điều quan trọng chính là người tiêu dùng phải tự nâng cao nhận thức trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn những sản phẩm, hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Quang Nhật (T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác