07/03/2017 12:00
Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự.
Lợi ích của thức ăn đường phố: Thuận tiện cho người tiêu dùng; Giá rẻ, thích hợp cho quảng đại quần chúng; Loại thức ăn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhanh nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng; Tạo nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là những người có ít vốn trong đầu tư kinh doanh...và tiết kiệm thời gian.
Sử dụng thức ăn đường phố không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mãn tính và các bệnh truyền qua thực phẩm); làm ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến phát triển du lịch, kinh tế đất nước.
Nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố
- Do nguyên liệu không bảo đảm: Tìm mua nguyên liệu thực phẩm giá rẻ có thể không bảo đảm chất lượng; Mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc; Vận chuyển và bảo quản nguyên liệu thực phẩm tươi sống không đúng cách nên làm nguyên liệu ô nhiễm thêm.
- Do nước và nước đá: Không có đủ nước sạch để chế biến và rửa dụng cụ, thực phẩm; Sử dụng nước không bảo đảm để làm đá; Dụng cụ dùng để chặt, đập đá không bảo đảm; Bảo quản và vận chuyển đá trong các dụng cụ không bảo đảm vệ sinh, dễ bị ô nhiễm,...
-Trong quá trình chế biến và xử lý thực phẩm: Không dùng riêng biệt dụng cụ cho thực phẩm sống và chín, sử dụng các dụng cụ không chuyên dụng, không bảo đảm làm thôi nhiễm chất độc vào thực phẩm; Do nơi chế biến chật hẹp, bẩn, bề mặt chế biến bẩn, sát mặt đất, cống rãnh, nhiều bụi, ruồi, chuột, gián,... bắn bẩn bụi, đất cát vào thực phẩm đã nấu chín; Do sử dụng phẩm màu, phụ gia không đúng cách, không rõ nguồn gốc: ví dụ tương, ớt để mốc, hỏng,...và do nấu thức ăn chưa kỹ.
- Do vận chuyển, bảo quản thực phẩm đã qua chế biến: Do không có điều kiện trang bị dụng cụ, thiết bị chứa đựng chuyên dụng thức ăn đã chế biến, nên thức ăn dễ bị hư hỏng, ô nhiễm do không khí, bụi, ruồi và nhiệt độ bảo quản không đúng.
- Do người chế biến, bán hàng: Do thiếu kiến thức hoặc ý thức, người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn bán hàng khi đang bị bệnh... làm lây nhiễm cho người tiêu dùng và vào thực phẩm.
Các biện pháp bảo đảm an toàn thức ăn đường phố: Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm...); Bày bán thức ăn trên bàn/giá cao cách mặt đất ít nhất 60 cm; Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa, nắng và các loài côn trùng, động vật khác; Không để lẫn giữa thực phẩm sống và thức ăn chín để tránh ô nhiễm chéo; Có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ/găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; Bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định; Đun kỹ thức ăn ở nhiệt độ thích hợp; Bảo quản thức ăn đường phố ở nhiệt độ thích hợp sau khi được chế biến; Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Người kinh doanh thức ăn đường phố nhiễm bệnh thì phải dừng làm việc và không được tiếp xúc thực phẩm; Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; Có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm và Có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh.
Hữu Huyên (Sở Y tế) – Hữu Hoài (Chi cục ATVSTP)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác