07/03/2017 09:56
Nhịp sống nhanh khiến con người tranh thủ làm nhiều việc cùng 1 lúc, trong đó có cả thói quen vừa ăn vừa đọc. Dưới đây là lời khuyên của TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng, trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, về vấn đề này.
Đường đi của thức ăn
Hệ tiêu hoá được tạo bởi ống tiêu hoá (là một chuỗi các cơ quan rỗng nối dài với nhau, thành một ống uốn lượn từ miệng cho đến hậu môn) và các cơ quan khác, giúp cơ thể cắt nhỏ và hấp thu thức ăn. Khi chúng ta ăn, đầu tiên, thức ăn nghiền nhuyễn bởi răng, rồi trộn men amylase từ các tuyến tiêu hoá tại miệng, giúp tiêu hoá tinh bột. Sau đó, thức ăn vào đến dạ dày, được các men tiêu hoá và axít dạ dày tiếp tục thực hiện quá trình tiêu hoá. Tại đây, thức ăn được nghiền nhuyễn bởi sự co bóp của dạ dày. Khi ra khỏi dạ dày, thức ăn vận chuyển xuống ruột non. Các cơ quan tham gia trong quá trình tiêu hoá tại ruột non bao gồm tuyến tuỵ và gan. Các men tiêu hoá chất bột đường, chất béo, chất đạm sản xuất bởi tuyến tuỵ và tiết vào bên trong ruột non. Còn gan sản xuất dịch mật, dự trữ trong túi mật ở gan, rồi đưa vào ruột non để trộn thức ăn. Axít mật giúp hoà tan chất béo, sau đó thức ăn được tiêu hoá bởi các men của tuyến tuỵ.
Hoạt động tiêu hoá thức ăn còn chịu ảnh hưởng của hệ thống thần kinh bên ngoài và tại dạ dày. Hệ thống thần kinh bên ngoài phóng thích hai hoá chất là acetylcholine và adrenaline. Acetylcholine làm tăng co bóp dạ dày, đẩy thức ăn di chuyển trong ống tiêu hoá. Nó cũng kích thích dạ dày và tuyến tụy tiết thêm dịch tiêu hoá. Adrenaline thì ngược lại, chúng làm dạ dày và ruột giảm co bóp. Do đó thức ăn lưu chuyển trong đường ruột cũng chậm lại, làm chậm hoặc ngưng quá trình tiêu hoá. Hệ thống thần kinh bên trong dạ dày tạo nên mạng lưới dày đặc từ thành thực quản, xuống đến dạ dày, ruột non và ruột già. Khi thành ống tiêu hoá bị căng bởi thức ăn sẽ kích thích hệ thần kinh bên trong đường tiêu hoá hoạt động, phóng thích nhiều hoá chất khác nhau, làm thúc đẩy hoặc làm chậm sự di chuyển thức ăn trong cơ quan tiêu hoá.
Nên tập thói quen giờ nào việc ấy
Sự phối hợp của hệ thống thần kinh, hooc-môn, hệ thống mạch máu và các cơ quan hệ tiêu hoá điều khiển công việc phức tạp là tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất từ thức ăn, thức uống mà chúng ta đưa vào cơ thể mỗi ngày. Trong cơ thể bình thường, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan trên giúp cho việc tiêu hoá thức ăn diễn ra thuận lợi.
Căng thẳng thần kinh sẽ làm mất cân bằng hoạt động tiêu hoá. Ở một số người, sự căng thẳng gây hiện tượng khó tiêu, đầy bụng, đau bụng và táo bón nhưng ở người khác thì lại thấy mau đói, phân loãng… Vào giờ ăn, máu sẽ được đưa đến cơ quan tiêu hoá nhiều hơn để giúp tiêu hoá và hấp thu thức ăn. Thói quen đọc sách trong khi ăn sẽ làm máu tập trung lên não nhiều hơn xuống dạ dày nên quá trình tiêu hoá sẽ bị chậm lại. Sự tiết men tiêu hoá theo đó cũng giảm, do hệ thần kinh tập trung vào việc đọc sách hơn là tiêu hoá thức ăn. Chưa kể thức ăn có thể chưa được nhai nhuyễn trước khi nuốt. Cách ăn uống này nếu lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, có thể dẫn đến hiện tượng viêm loét dạ dày.
Như vậy, đọc sách trong bữa ăn là thói quen không tốt mà ta nên từ bỏ. Khi ăn, tinh thần cần thoải mái để thức ăn tiêu hoá và hấp thu tốt nhất. Quá trình tiêu hoá là một quá trình phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố thần kinh cũng hết sức quan trọng. Tốt nhất nên tập thói quen giờ nào việc ấy. Bữa ăn nên thoải mái, trò chuyện thân mật với gia đình, thưởng thức các món ăn ngon. Đây cũng là một cách thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Nhờ đó, chất lượng học tập và việc làm sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh
Sài Gòn tiếp thị
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác