07/03/2017 09:56
Nâng cao chất lượng giống nòi là vấn đề được quan tâm của tất cả các nước trên thế giới. Song ở Việt Nam, suy dinh dưỡng trẻ em vẫn là thách thức lớn đáng lo ngại. Điều này được các chuyên gia Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo tại Lễ công bố Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng ngày 4-4. Thứ trưởng Bộ Y tế PGS-TS Nguyễn Viết Tiến chỉ đạo Hội nghị.
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là giảm tỷ lệ
suy dinh dưỡng thể thấp còi, vẫn còn là thách thức lớn ở Việt Nam
Minh họa của : Choai
Một trong những giải pháp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là việc tăng chất lượng bữa ăn, chống thiếu hụt vi chất, sử dụng sữa hàng ngày. Tuy nhiên, giá cả lương thực thực phẩm đặc biệt là giá sữa tăng cao, phân hoá giàu nghèo, khoảng cách vùng miền, đang là rào cản lớn trong chiến lược cải thiện tầm vóc giống nòi.
1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi
PGS-TS Lê Thị Hợp - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông báo, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em ở nước ta năm 2010 đã giảm xuống còn 17,5%, nhưng vẫn xếp ở mức cao. Cả nước chỉ có Kon Tum có tỷ lệ SDD là 40%, một số tỉnh miền núi phía Bắc còn trên 30%.
Đến năm 2010, nước ta có gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi SDD nhẹ cân, 2,1 triệu trẻ em SDD thấp còi và khoảng 520.000 trẻ SDD gầy còm. Như vậy, cứ 3 trẻ em thì có 1 thấp, còi. Sự khác biệt kinh tế xã hội giữa các vùng miền khiến trẻ em các vùng khó khăn khó tiếp cận cơ hội cải thiện dinh dưỡng.
TS Lê Danh Tuyên- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ rõ mức SDD thấp còi ở các vùng khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng. SDD thấp còi là trẻ thấp hơn so với tuổi của chúng - hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng xảy ra trong 1000 ngày đầu của cuộc đời khiến đứa trẻ không thể phục hồi sau này. Đây là một chỉ số có giá trị nhất, phản ánh tiềm năng lớn lên và phát triển của một đứa trẻ trong tương lai, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia.
TS Tuyên lo ngại, còn gần 30% trẻ nhỏ bị SDD thể thấp còi là thể SDD mãn tính phản ánh cả quá trình thiếu ăn kéo dài dẫn đến chiều cao các cháu không tăng trưởng tốt. Đến tuổi trưởng thành, những cháu bị thấp còi hồi nhỏ sẽ bị thiệt thòi 3 - 5cm so với tiềm năng di truyền. Thấp còi có ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe, khả năng học tập và khả năng thu nhập trong tương lai. Trẻ bị SDD thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn và có nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và béo phì cao hơn. Một thế hệ trẻ em bị thấp còi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả quốc gia. Nhìn tổng thể cả cuộc đời, SDD là nguyên nhân làm giảm 10% khả năng thu nhập của đứa trẻ thấp còi khi lớn lên. Ước tính, SDD có thể tiêu tốn đến 3% tổng sản phẩm quốc nội của một đất nước.

Mọi trẻ em có cơ hội phát triển như nhau cho đến 2 tuổi
Chiều cao thanh niên đạt chuẩn - còn xa
Trong 10 năm qua, chiều cao của người Việt cải thiện chậm, trung bình chỉ tăng 1cm. Ảnh hưởng lớn đến khả năng nâng cao tầm vóc người Việt Nam còn do tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ em từ 2- 5 tuổi bị SDD hiện ở mức rất cao. 24% trẻ em thiếu máu dinh dưỡng, ở phụ nữ có thai là 36,5% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 28,8%; thiếu Vitamin A ở trẻ em là 14,2%, ở mẹ cho con bú là 35%...
Điều này dẫn đến chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cũng thấp hơn một số nước như Nhật Bản, Singapore. Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 cho thấy thanh niên Việt Nam ở nhóm 22-26 tuổi, chiều cao trung bình của nam 1,64m và của nữ 1,54m. So chuẩn quốc tế, chiều cao trung bình của thanh niên nam 18 tuổi vẫn kém 13,1 cm và nữ kém 10,7 cm.
Tại Hội nghị, một số chuyên gia cho rằng sẽ là sai lầm nếu người dân có quan niệm thanh niên Việt Nam cao "khiêm tốn” là do sản phẩm chủng tộc. Đây là một nhận thức sai lầm khá phổ biến. Trên thực tế, mọi trẻ em có cơ hội phát triển như nhau cho đến 2 tuổi nếu được nuôi dưỡng đúng cách. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy trẻ em Việt Nam giai đoạn quan trọng này có những dấu hiệu phát triển bị hạn chế.
Trả lời báo giới về vấn đề "khẩu phần ăn của người Việt hiện nay có hợp lý?”- TS Danh Tuyên cho biết: "Có biến động tuy năng lượng khẩu phần không thay đổi. Cơ cấu sinh năng lượng trong khẩu phần ăn thay đổi tập trung từ nguồn glucid, protein và chất béo tăng. Có sự khác biệt đáng kể trong cơ cấu khẩu phần ăn của người dân giữa thành thị và nông thôn, làm gia tăng tỷ lệ đáng kể trẻ bị thừa cân, béo phì ở thành phố. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi hiện nay cao gấp 6 lần”.
Nâng cao thể chất người Việt Nam
Trong 20 năm tới, như trong đề án chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 22-2-2012, chiều cao của thanh niên Việt Nam sẽ tăng được 3- 4cm. PGS- TS Lê Thị Hợp cho biết, sau một thập kỷ nếu kinh tế phát triển, dinh dưỡng tốt thì chiều cao mới có thể tăng được 1,5 cm. Nếu sau 20 năm chúng ta đưa ra chỉ tiêu tăng chiều cao người Việt Nam 4 cm là tương đối cao. Tuy nhiên, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay vẫn là tỷ lệ trẻ em SDD quá cao nên cần khống chế và giảm mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là giảm SDD thể thấp còi, vẫn còn là thách thức lớn ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Tình hình này đòi hỏi có những giải pháp can thiệp sớm và kịp thời nhằm giúp Việt Nam tránh được các vấn đề mà các nước có thu nhập trung bình khác đã trải qua...
Trong giai đoạn tới, Viện dinh dưỡng quốc gia sẽ tập trung duy trì và đẩy mạnh truyền thông cộng đồng, chăm sóc bà mẹ mang thai và từng bước triển khai các can thiệp sớm cho nữ thanh niên trước khi mang thai, tập trung vào những tỉnh thành có tỷ lệ SDD cao. Theo đề án vừa được phê duyệt, năm 2020, thanh niên Việt Nam ở độ tuổi 18 có chiều cao trung bình 167cm đối với nam, 156 cm đối với nữ và đến năm 2030 chỉ số tương ứng với nam và nữ là 168,5cm và 157,5cm.
Mặc dù Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động nhưng việc kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả khả quan. Tác nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do điều kiện kinh tế chi phối khiến bữa ăn không đủ dưỡng chất đáp ứng cho sự phát triển của trẻ. |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác