Ca cấp cứu TNGT ở BV Việt Đức Bác sĩ Phan Vũ Hùng cho biết, những năm gần đây tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo báo cáo của Cục Quản lý Môi trường- Bộ Y tế, mỗi năm TNTT đã cướp đi sinh mạng của trên 20.000 người. Nguyên nhân gây tăng số người tử vong một phần có liên quan đến việc xử trí chấn thương, trong đó chấn thương bụng chiếm hàng đầu, sau chấn thương sọ não và chấn thương chi. Dù chỉ chiếm ¼ các tổn thương tạng trong chấn thương bụng, song vỡ lách có nguy cơ tử vong cao. Trước đây các trường hợp chấn thương lách hầu hết có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ do nguy cơ chảy máu đe dọa tính mạng nạn nhân. Tuy nhiên cách này đã bộc lộ nhiều hạn chế như nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm tắc mạch máu, giảm miễn dịch, nhất là với trẻ em. Trong khi đó, phương pháp điều trị bảo tồn không mổ rất hiệu quả, nhất là đối với các trường hợp còn trẻ, hạn chế được các biến chứng sau cắt lách. Là một Trung tâm lớn về ngoại khoa của cả nước, hàng năm Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu gần 34.000 trường hợp, trong đó có nhiều ca vỡ lách. Thống kê từ năm 2006 đến nay tại bệnh viện, 306 nạn nhân từ 3 đến 83 tuổi bị chấn thương bụng có vỡ lách đưa vào đây đều trong tình trạng đau dưới sườn trái, phản ứng thành bụng, dịch ổ bụng, dịch quanh lách, trướng bụng và bí trung tiện. Phần lớn nạn nhân là nam giới trẻ tuổi (230 trường hợp) bị vỡ lách độ 1-2-3 và 4, được chỉ định điều trị bảo tồn không phải mổ. Các nạn nhân nằm tuyệt đối tại giường, được theo dõi sát mạch, huyết áp, tình trạng bụng, truyền máu và dịch, điều chỉnh rối loạn điện giải, kháng sinh dự phòng tĩnh mạch, kiểm tra công thức máu và siêu âm bụng... Sau 3-10 ngày điều trị bảo tồn, tỷ lệ thành công là 98,7% trong đó 100% nạn nhân (252 BN) vỡ lách độ 1-2-3 bình phục nhanh chóng. Theo bác sĩ Vũ Hùng, điều trị bảo tồn là phương pháp điều trị cho kết quả tốt với các trường hợp chấn thương lách độ 1-2-3. Trong đó, huyết động và tình trạng bụng là 2 yếu tố chủ đạo quyết định trong chiến thuật xử trí chấn thương lách. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, đặc biệt là những trường hợp chấn thương độ 1-2-3 và hạn chế vận động mạnh trong thời gian tối thiểu 1-3 tháng kể từ ngày ra viện. Với các phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại, việc điều trị bảo tồn nên được mở rộng. Nếu được theo dõi tốt về lâm sàng, đánh giá đúng trên siêu âm và cắt lớp vi tính thì hầu hết các ca chấn thương vỡ lách từ độ 1 đến độ 4 được điều trị bảo tồn không cần can thiệp phẫu thuật. |