07/03/2017 09:56
Đau vùng bụng dưới kèm sốt và đi phân lỏng trùng với đợt hành kinh, cứ nghĩ đau bụng vì "tới tháng", Hân cố chịu đựng. Một ngày sau, bệnh nhân phải cấp cứu vì biến chứng viêm ruột thừa.
|
Đau do viêm ruột thừa ở trẻ em rất dễ bị nhầm với các loại đau bụng khác. Ảnh: Appendct |
Vào khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, lúc nửa đêm giữa tuần qua, bệnh nhân 13 tuổi cho biết em không thể chịu được các cơn bụng đau dữ dội. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định ruột thừa bị viêm và đã ung mủ nghiêm trọng, phải mổ cấp cứu.
Theo nhận xét của bác sĩ, chỉ cần nhập viện muộn hơn bệnh nhân có thể tử vong. Đây là một trong những trường hợp điển hình của sự nhầm lẫn viêm ruột thừa, có thể gây tử vong.
Một thiếu nữ 14 tuổi ngụ huyện Trảng Bom vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng trong tình trạng đau bụng quằn quại. Bệnh nhân cho biết mình đau bụng kinh bất thường hơn mọi khi. Tuy nhiên đến khi khám, các bác sĩ xác định nguyên nhân đau bụng không liên quan đến kinh nguyệt mà do viêm ruột thừa.
Theo các bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi, không chỉ nhầm với đau bụng kinh, nhiều bệnh nhi và phụ huynh còn nhầm viêm ruột thừa với các triệu chứng đau khác.
Vào bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng đau bụng dữ dội, bé trai 5 tuổi nhà ở Tân Phú bị đau bụng vùng quanh rốn kèm sốt, buồn nôn và tiêu chảy. Chẩn đoán cuối cùng bé lại viêm ruột thừa.
Gia đình cho biết, tưởng cháu rối loạn tiêu hóa, bố mẹ tự mua thuốc cho bé uống nhưng không khỏi. Đến ngày thứ 3 bé gồng cứng người và tím tái, người lớn mới phát hoảng đưa đến viện. Bác sĩ xác định bé bị viêm ruột thừa vỡ gây tình trạng nhiễm trùng khắp ổ bụng. "May mắn mà bệnh nhân chưa bị viêm phúc mạc và nhập viện kịp, nếu nhập viện vài phút, bé có thể tử vong", một bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 2, ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải của bụng, có một đầu bịt kín, đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Ruột thừa bị tắt nghẽn sẽ sưng lên và nhiễm trùng. Nếu không điều trị, ruột thừa có thể hoại tử, vỡ ra, vi khẩn tăng sinh làm mủ lan tràn ổ bụng gọi là viêm phúc mạc gây nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan và cuối cùng là tử vong.
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải. Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì bé đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau.
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng khó chẩn đoán với trẻ vì các bé chưa có khả năng diễn đạt rõ ràng tình trạng đau của mình và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác