Chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo, trung bình 3 tháng, phụ nữ nên đi khám phụ khoa một lần để có thể phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả. Ảnh: D.N
Trẻ dưới 10 tuổi cũng có thể bị ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được xếp vào các dạng đặc biệt của u nang vì tính chất ác tính của ung thư chỉ biết được sau khi phẫu thuật. Còn trước đó, khi thăm khám vẫn chẩn đoán là u nang. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, thường được phát hiện trễ do triệu chứng của khối u rất mơ hồ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục phổ biến thứ hai, sau ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, số liệu thống kê về xuất độ ung thư buồng trứng năm 2000 ở Hà Nội là 4,4/100.000 dân, TPHCM là 3,7/100.000 dân. Lứa tuổi thường bị ung thư buồng trứng là khoảng 60, nhiều nhất ở phụ nữ hậu mãn kinh. Bệnh cũng có thể gặp ở thiếu nữ 14 - 15 tuổi, thậm chí trẻ em dưới 10 tuổi, song tỷ lệ thấp.
Theo TS.BS Nguyễn Thúy Nga (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh - TPHCM), ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm thường diễn biến âm thầm, không có các dấu hiệu đặc biệt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có những biểu hiện như: Rối loạn kinh nguyệt, đau hoặc nặng ở vùng bụng dưới, đau khi quan hệ vợ chồng, rối loạn tiểu (tiểu khó, són tiểu), mệt mỏi kéo dài, giảm cân, chán ăn, rối loạn tiêu hoá như đầy bụng, khó tiêu, đại tiện táo hoặc tiêu chảy thì hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa để được khám và phát hiện bệnh sớm.
Không sinh con cũng có thể bị
Bà Lê Thị L (60 tuổi ở Tiền Giang) là một phụ nữ độc thân không sinh đẻ lần nào. Khi thấy mình thỉnh thoảng đau trằn bụng dưới, mệt mỏi, bà L tới Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh khám và được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Bà được phẫu thuật ngay sau đó, kết quả thử tế bào cũng phù hợp với chẩn đoán ban đầu. Bà L được nâng cao thể trạng và điều trị hóa chất sau phẫu thuật. Mặc dù bà bị rụng hết tóc do hóa chất nhưng các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư đã bị tiêu diệt. Đã 6 năm trôi qua, bà L vẫn đi tái khám đều đặn, sức khỏe ổn định.
Bà L là một trong những trường hợp giải thích cho thắc mắc: “Nếu không sinh con có bị ung thư buồng trứng không?”. Theo các bác sĩ sản khoa, trong buồng trứng có khoảng 100.000 nang nguyên thủy nhưng chỉ có khoảng 400 - 500 có khả năng phát triển trong suốt cuộc đời của phụ nữ. Theo chu kỳ của phụ nữ thông thường, mỗi tháng sẽ có một trứng rụng, nếu trứng không được thụ tinh sẽ gây ra hiện tượng kinh nguyệt. Và khi vào độ tuổi 45 - 50, người phụ nữ bắt đầu bước vào thời kì mãn kinh, hệ thống miễn dịch suy giảm. Trong khoảng thời gian sinh sản, nếu có mang thai, cơ thể người phụ nữ tiết ra hormone Progesteron và Estrogen sẽ được duy trì trong vòng 3 tháng, sau đó nhau thai sẽ tiếp tục tiết ra hai loại hormone này. Progesterone là hormone do buồng trứng tiết ra để duy trì chức năng bình thường của tử cung, điều tiết chu kỳ kinh nguyệt, đậu thai và mang thai, có thể có khả năng bảo vệ chống lại ung thư.
Nếu không thụ thai, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra và gây hiện tượng kinh nguyệt. Sau khi lớp niêm mạc bị bong ra, sẽ có những tế bào làm cơ chế tái tạo niêm mạc bị tổn thương. Trong quá trình sản xuất các tế bào mới, chúng có khả năng biến đổi hoặc trở thành các khối u và hình thành ung thư buồng trứng. Do đó, các chuyên gia sức khỏe thường khuyên chị em nên sinh 1 - 2 con và không nên sinh quá muộn sau 35 tuổi.
Nên khám phụ khoa định kỳ
Ung thư buồng trứng được coi là “kẻ sát nhân thầm lặng” (silent killer) vì quá ít phụ nữ được chẩn đoán sớm. Hơn 70% số phụ nữ không được chẩn đoán ung thư buồng trứng, khi biết thì đã muộn. Nếu phát hiện sớm, khoảng 95% số bệnh nhân có thể sống sót.
Theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản, trung bình cứ 3 tháng phụ nữ nên đi khám phụ khoa một lần, nhờ vậy có thể phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Việc phát hiện trễ sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng vì không kịp điều trị. Nhưng đa số phụ nữ không rõ triệu chứng ung thư buồng trứng nên vẫn coi thường, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình có người bị ung thư buồng trứng.
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, người bị ung thư vú có tần suất bị ung thư buồng trứng cao gấp hai lần bình thường. Còn người bị ung thư buồng trứng có tần suất bị ung thư vú cao gấp 3 - 4 lần. Y văn cũng ghi nhận hơn 80% trường hợp mắc bệnh mà không có bệnh sử gia đình. Với những phụ nữ sinh ra trong gia đình có người bị ung thư buồng trứng, nguy cơ mắc bệnh này có thể cao gấp từ 3 - 10 lần so với bình thường.
Cũng theo BS Nguyễn Thúy Nga, các dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng ở phụ nữ bình thường đã rất mơ hồ thì ở thai phụ càng khó phát hiện hơn. Thai phụ thường không biết các dấu hiệu như bụng to lên, đau nặng bụng dưới, rối loạn tiêu tiểu, chán ăn, sụt cân do có thai hay là một bệnh lý nào khác. BS Nga nói: “Vì vậy, để tránh trường hợp phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn trong thai kỳ, các bạn nên đi khám phụ khoa trước khi dự định mang thai. Khi có thai, các bạn nên đi khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ sản khoa”.
6 cách giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng
1. Dùng thuốc: Các phụ nữ dùng thuốc ngừa thai có chứa estrogen và progesterone thì giảm nguy cơ hơn những người không dùng. Các bác sĩ tin rằng nguy cơ ung thư có liên quan tới số lần rụng trứng, cho nên thuốc ngừa thai bảo vệ bạn bằng cách ngăn cản việc rụng trứng.
2. Uống sữa: Sữa rất tốt cho xương. Nghiên cứu của ĐH Hawaii thấy rằng, các phụ nữ uống mỗi ngày 1 ly sữa (loại ít chất béo) giảm được 40% nguy cơ ung thư buồng trứng so với những người không uống.
3. Tập thể dục: Phụ nữ lao động 6 giờ/tuần giảm được 27% nguy cơ ung thư buồng trứng so với những người lao động 4 giờ/tuần. Mỗi ngày nên tập thể dục tối thiểu 10 phút cũng giảm nguy cơ nhiều.
4. Bổ sung vitamin C và E: Nghiên cứu cho thấy, các phụ nữ dùng hơn 90mg vitamin C hoặc 30mg vitamin E mỗi ngày thì giảm được khoảng 60% nguy cơ ung thư buồng trứng so với những người không dùng.
5. Thực phẩm giàu vitamin: Phụ nữ có chế độ ăn uống các thực phẩm nhiều lycopene và alpha carotene sẽ ít bị ung thư buồng trứng hơn những người khác. Nguồn vitamin tốt là cà chua và cà rốt sống.
6. Giảm chất béo: Các nghiên cứu cho thấy, chất béo góp phần gây ung thư buồng trứng. Việc hạn chế chất béo, nhất là mỡ động vật rất có lợi. Nên ăn nhiều rau đậu, trái cây...
M.Anh – T.Vân/Báo Gia đình & Xã hội