27/07/2020 09:29
PHÁT HIỆN SỚM – CAN THIỆP SỚM TRẺ BẠI NÃO
Bài và ảnh: Bs Lương Công Toàn
( Khoa Phục hồi chức năng – BV Y học cổ truyền)
1. Bại não là gì?
Bại não là tổn thương não không tiến triển gây nên bởi các yếu tố nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước sinh, trong sinh và sau sinh đến 5 tuổi.
2. Yếu tố nguy cơ gây bại não ở trẻ em:
2.1. Trước sinh:
- Mẹ có tiền sử sảy thai trước đó.
- Mẹ có dị tật bẩm sinh. Mẹ bị ngộ độc thai nghén.
- Mẹ bị chậm PTTT. Mẹ tiếp xúc với hóa chất, dùng thuốc...
- Mẹ bị nhiễm virut. Mẹ bị chấn thương. Mẹ bị bệnh giáp trạng, đái tháo đường.
2.2. Trong sinh:
- Đẻ non (dưới 37 tuần).
- Cân nặng khi sinh thấp (dưới 2.500g).
- Ngạt hoặc thiếu ô xy não khi sinh: Trẻ đẻ ra không khóc ngay, tím tái hoặc trắng bệch phải cấp cứu.
- Can thiệp sản khoa: dùng kẹp thai, hút thai, đẻ chỉ huy.
- Vàng da nhân não sơ sinh.
2.3. Sau sinh:
- Chảy máu não - màng não sơ sinh.
- Nhiễm khuẩn thần kinh: Viêm não, viêm màng não.
- Thiếu ôxy não do suy hô hấp nặng phải thở ôxy, thở máy.
- Chấn thương sọ não: Do ngã, tai nạn, đánh đập.
- Các nguyên nhân khác gây tổn thương não: Co giật do sốt cao đơn thuần, ỉa chảy mất nước nặng...
3. Các biện pháp phòng ngừa bại não:
- Kiểm soát thai nghén.
- Hồi sức cấp cứu đẻ, sơ sinh kịp thời.
- Chẩn đoán bệnh và điều trị sớm các bệnh có liên quan đến bại não.
4. Phát hiện sớm:
Dấu hiệu nhận biết sớm:
- Bốn dấu hiệu chính:
-
Trẻ có co cứng hoặc/ và chân duỗi cứng khi đặt đứng.
-
Không kiểm soát đầu cổ hoặc/và không biết lẫy hoặc/và nằm sấp không ngẩng đầu.
-
Hai tay luôn nắm chặt.
-
Hai tay không biết với cầm đồ vật.
- Bốn dấu hiệu phụ:
-
Không nhận ra khuôn mặt mẹ.
-
Ăn uống khó khăn.
-
Không đáp ứng khi gọi hỏi.
-
Khóc nhiều suốt ngày đêm sau sinh.
5. Các thể bại não:
5.1. Thể co cứng ( chiếm 70 – 80%) với các biểu hiện sau:
- Tăng trương lực cơ ở các chi.
- Giảm khả năng vận động riêng biệt tại từng khớp.
- Có thể kèm các một hoặc nhiều dấu hiệu khác như, co rút tại các khớp, cong vẹo cột sống, động kinh. Chậm phát triển trí tuệ ở các mức khác nhau.
5.2. Thể múa vờn:
- Trương lực cơ thay đổi lúc tăng lúc giảm ở tứ chi.
- Giảm khả năng vận động thô.
- Rung giật, múa vờn.
- Có thể kèm các một hoặc nhiều dấu hiệu khác như động kinh, rối loạn nhai nuốt, điếc ở tầng số cao. Chậm phát triển trí tuệ ở các mức khác nhau.
5.3. Thể thất điều:
- Giảm trương lực cơ toàn thân.
- Dinh dưỡng cơ: Không có teo cơ hoặc co rút tại các khớp.
6. Can thiệp sớm phục hồi chức năng:
Khi phát hiện trẻ bị bại não cần được bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng khám để đánh giá và lượng giá về tổn thương của trẻ. Sau đó tùy vào mức độ bệnh của trẻ mà có những chỉ định phù hợp.
Trẻ cần được can thiệp sớm với các bài tập sau:
Tập vận động trị liệu: Trẻ cần tập vận động hàng ngày bởi Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng với bài tập phù hợp với từng tổn thương, từng thể bệnh...
Nếu trẻ bị rối loạn về ngôn ngữ cần có Kỹ thuật viên về ngôn ngữ can thiệp, huấn luyện.
Ngoài ra trẻ cũng cần được huấn luyện về kỹ năng giao tiếp sớm, kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, học tập...
Được huấn luyện những kỹ năng hàng ngày như sinh hoạt, mặc áo quần, ăn uống...
Nếu có tổn thương mà cần dụng cụ thì cho trẻ làm một số dụng cụ để hỗ trợ phục hồi như dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp.
Trẻ bại não đòi hỏi phải tập thời gian kéo dài nên gia đình cũng cần phối hợp với nhân viên y tế để hỗ trợ trẻ tập luyện tại nhà.
Kỹ thuật viên phục hồi chức năng đang tập cho trẻ bại não tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác