30/11/2020 08:52
ĐỀ PHÒNG
TĂNG MỠ MÁU VÀ CAO HUYẾT ÁP NGAY TỪ TUỔI THƠ
Cholesterol là một loại mỡ (Lipid) rất quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể, đóng vai trò trung tâm xây dựng màng tế bào, các hormon sinh dục, tái tạo vitamin D và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Nếu hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao sẽ tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, nhưng qua một số công trình nghiên cứu cho thấy mầm mống các bệnh tim mạch thực ra lại nảy sinh ngay từ khi con người đang còn thơ ấu. Vì vậy các bậc bố mẹ phải luôn chú ý tới lượng mỡ trong máu của con em mình nhất là khi bố mẹ đã có cholesterol trong máu tăng cao.
Một trong những nguyên nhân gây tăng lipid máu ở trẻ em là:
Do ăn quá nhiều chất béo bão hòa sẽ trực tiếp làm tăng lipid máu, chất béo bão hòa này có trong sữa và thành phần từ sữa, thịt mỡ, bơ động vật, dầu dừa, các loại bánh quy…đây là những loại thực phẩm rất hấp dẫn đối với trẻ béo phì. Do ít vận động dẫn đến béo phì gây tình trạng tích lũy mỡ làm tăng lipid máu một cách bất thường. Rối loạn lipid máu có tính chất gia đình…
Trong các thành phần của lipid có những chất gọi là trigrycerid được tạo thành từ những thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày, kể cả các bột đường( carbohydrat), nếu số calori hấp thu mỗi ngày không được sử dụng ngay, chúng sẽ được lưu trữ trong các tế bào mỡ, đó là các trigrycerid. Khi số lượng trigrycerid được tồn chữ quá thừa thì sẽ tạo nên nguyên nhân gây bệnh mạch vành.
Nếu triglycerid và cholesterol tăng cao sẽ làm cho con người có nhiều nguy cơ bị chứng xơ vữa động mạch, thế mà chứng bệnh đáng sợ này lại phát triển mạnh mẽ khi con người mới gẩn 20 tuổi. Một tỉ lệ nhỏ (khoảng 1/500) trẻ em có thể thừa kế một mức cholesterol cao từ bố, mẹ; Vì vậy cũng có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch khi mới bước sang tuổi trung niên, do có mảng xơ vữa đã dần dần, lặng lẽ tích tụ quá nhiều trong động mạch.
Thực tế cho thấy nguy cơ này không mấy khi được ý thức rõ ràng và không được đánh giá đúng mức. Những trẻ em béo phì, không ham vận động, thường hay có mức cholesterol máu cao mà ngay các bậc cha mẹ cũng không hề quan tâm lưu ý.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho trẻ béo phì:
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em phải được hướng dẫn đầy đủ về một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý như sau:
-
Về chế độ ăn uống: Tránh các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol như bơ, thịt heo mỡ, thịt xông khói, dầu dừa; thay bằng dầu thực vật như dầu đậu nành.…hạn chế ăn kẹo dẻo, bim bim, bánh quy…và các loại thịt, cá, trứng. Không ăn phủ tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay thế bằng đạm thực vật như đậu nành..., tăng cường ăn rau quả. Uống sữa đã tách bơ, hạn chế ăn pho mai,kem.Tránh các thức ăn nhanh như: Bánh hamburger, bánh có nhân thịt chiên, bánh gatô…
-
Về vận động: Hướng dẫn cho trẻ năng vận động, bằng những phương cách vận động cơ thể cần thiết và hợp lý, thực hiện chế độ giảm cân cho trẻ. Mỗi khi đưa con em đến phòng mạch bác sỹ, người lớn cũng nên nhờ đo huyết áp cho các cháu để dự phòng.
Nói chung, các triệu chứng về nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ không mấy khi biểu hiện một cách điển hình mà có khi hàng năm, có khi hàng chục năm mới bộc lộ rõ ràng. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cũng như bác sỹ gia đình đều phải chú ý theo dõi các triệu chứng đáng ngại để sớm có thể áp dụng những biện pháp đề phòng, chẩn đoán, điều trị thích hợp. Nên nhắc nhở nhau rằng các mầm mống gây nên cao huyết áp cũng như các chứng bệnh tim mạch thường âm thầm, lặng lẽ phát triển ngay từ những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời con trẻ.
BS. Đỗ Thị Tuyết Nhung
(Khoa Nội – Nhi, BV.YHCT tỉnh Đăk Lăk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác