30/11/2020 08:53
CÂY XƯƠNG RỒNG VỚI BỆNH ĐAU LƯNG
Cây xương rồng là loại cây có nhiều cành, ít lá. Hoa xương rồng mọc thành từng chùm, được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta. Có nhiều loại xương rồng khác nhau: xương rồng ba cạnh, xương rồng bẹ... Trong đông y, xương rồng có tính hàn, vị đắng với tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, trị lở loét. Ngoài ra, xương rồng còn là nguyên liệu chính trong chữa đau lưng, đau thần kinh tọa, đau nhức xương... Loại xương rồng được dùng để chữa đau lưng là xương rồng bẹ và xương rồng ba cạnh.
Dưới đây là ba bài thuốc trị đau lưng bằng cây xương rồng:
1. Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: 3 - 4 nhánh xương rồng bẹ và vài miếng vải sạch
- Cách thực hiện: loại bỏ sạch gai ở nhánh xương rồng rồi rửa sạch sẽ, ngâm nước muối 30 phút để tăng tính sát khuẩn. Sau đó nướng nóng đều hai mặt xương rồng, dùng vải bọc lại đắp lên vị trí đau. Khi thấy nguội thì lấy ra thay miếng khác. Đắp liên tục trong 30 phút. Mỗi ngày thực hiện đắp từ 1 - 2 lần, kiên trì áp dụng từ 2 - 3 tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2. Bài thuốc 2
- Chuẩn bị: 3 nhánh xương rồng bẹ, 1 nắm muối hạt và miếng vải sạch
- Cách thực hiện: Loại bỏ gai xương rồng, rửa sạch để ráo nước. Sau đó, thái nhỏ xương rồng thành từng khúc rồi đem giã nhuyễn. Cho xương rồng đã giã nhuyễn vào chảo nóng, thêm muối hạt vào rồi rang nóng lên. Cho hỗn hợp xương rồng muối vào miếng vải rồi đắp vào vị trí lưng bị đau. Hỗn hợp nguội bỏ ra rang nóng lại, đắp trong thời gian khoảng 30 phút. Kiên trì thực hiện hàng ngày, sau vài ngày sẽ thấy triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
3. Bài thuốc 3
- Chuẩn bị: 1 cành xương rồng 3 cạnh, nên dùng cành bánh tẻ, không quá non hoặc quá già.
- Cách thực hiện: Loại bỏ gai xương rồng, sau đó rửa sạch, để ráo nước rồi thái nhỏ, đem phơi khô. Tiếp đến đem sao vàng lên rồi để dùng dần. Hàng ngày dùng 1 nắm (1 chén) xương rồng sao khô sắc cùng với 3 bát nước. Đun nhỏ lửa tới khi cô cạn còn 1 bát nước thì tắt bếp, chắt lấy nước thuốc. Người bị đau lưng hàng ngày uống nước xương rồng sắc trước khi đi ngủ. Đều đặn trong vòng 15 ngày rồi ngừng không uống trong 1 - 2 tháng, sau đó uống lại.
* Một số lưu ý khi sử dụng xương rồng:
- Trong nhựa cây xương rồng có độc nên khi sơ chế và sử dụng phải cẩn thận không nên để nhựa rơi vào mắt hoặc tiếp xúc trực tiếp lên da sẽ dẫn đến mù mắt, viêm da.
- Không sử dụng quá nhiều xương rồng trong mỗi lần dùng và trong thời gian dài vì sẽ gây quá liều dẫn đến ngộ độc.
- Không để bài thuốc qua đêm, cần sử dụng hết trong ngày để đảm bảo tinh chất không biến mất.
|
(Sưu tầm)
Nguyễn Thị Tuyết Mai - Khoa nội nhi
|
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác