Xuyên suốt quá trình triển khai và thực hiện ở 2 huyện Krông Bông và EaSúp, Ban quản lý Dự án luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em với nhiều hình thức. Trong đó, Phong trào vận động cộng đồng “chăm sóc cho mẹ, sức khỏe cho con” được phát động hàng năm từ năm 2011 đến nay và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, những gương điển hình đã và sẽ là những nhân tố cho phong trào ngày càng lớn mạnh.
Gia đình chị H’Manh Byã ở buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông
đang cho đàn gia cầm ăn.
Một số cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích cao trong phong trào vận động
cộng đồng “Chăm sóc cho mẹ, Sức khỏe cho con” tại huyện Krông Bông.
Krông Bông, là một trong những huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk được chọn triển khai Dự án “ Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số, thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe”, nhằm giúp cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận các thông tin về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Thông qua các hoạt động như: truyền thông trực tiếp qua y tế thôn buôn; Biểu diễn văn nghệ tại cộng đồng, qua loa phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng; Phát động phong trào “Chăm sóc cho mẹ, sức khỏe cho con”; Tổ chức các Hội nghị, vận động lãnh đạo, vận động cộng đồng, tạo điều kiện cho một số hộ là người dân tộc thiểu số ở xã CưPui, huyện Krông Bông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn, để phát triển kinh tế gia đình… đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của người dân địa phương.
Gương tiêu biểu nhất trong phong trào vận động toàn dân chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại huyện Krông Bông là gia đình chị H’Manh Byã ở buôn Bhung, xã Cưpui. Kết hôn từ năm 2009 ở độ tuổi ngoài 20, anh chị đã ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch, nhưng do kinh tế gia đình còn khó khăn, vợ chồng chị H’Manh Byã vẫn sống chung cùng bố mẹ và các anh chị em, nhà nghèo lại càng nghèo hơn vì đông người ăn, nên chị ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhất là chế độ dinh dưỡng khi mang thai . Từ những tháng cuối năm 2012, Ban quản lý Dự án đã tạo điều kiện cho gia đình chị vay vốn với số tiền 10 triệu đồng. Vợ chồng chị H’Manh Byã đã ra ở riêng tại chòi rẫy của gia đình, tận dụng lợi thế vườn rộng, gần cánh đồng để tập trung chăn nuôi và trồng trọt. Anh chị đã dùng 4 triệu đồng để xây dựng chuồng chăn nuôi heo, gà, và 6 triệu đồng còn lại anh chị dùng vào việc mua con giống, cây giống và thức ăn.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Hội phụ nữ xã CưPui, Hội Phụ nữ huyện Krông Bông, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban quản lý Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe “ từ Trung ương đến cơ sở, cộng với sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng và bà con quanh vùng, mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình chị H’Manh đã phát triển. Sau 8 tháng nuôi, trồng, từ 2 con heo giống đã sinh sản ra đàn heo con; đàn ngan, đàn gà lên tới vài chục con; vườn rau đã đủ cung cấp cho mỗi bữa ăn của gia đình chị H’Manh. Ước tính, trừ vốn vay 10 triệu đồng để hoàn trả cho Ban Quản lý Dự án, gia đình chị còn có vốn để tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi và mua thêm cây, con giống.
Chị H’Manh Byã, buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiệu quả từ mô hình này, đã giúp gia đình tôi có nguồn thực phẩm sẵn có trong vườn để cải thiện bữa ăn dinh dưỡng, như: thịt gia cầm, trứng, rau xanh các loại… nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày.”
Nhờ có ý thức về sinh đẻ có kế hoạch, cộng với những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà vợ chồng chị H’Manh học hỏi được từ những lần tham dự Hội nghị vận động cộng đồng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, do Ban quản lý Dự án tổ chức, học tập kinh nghiệm từ những buổi thực hành dinh dưỡng cho trẻ em tại địa phương, cũng như trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là được cộng tác viên y tế đến tận nhà hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, sau khi sinh và chăm sóc trẻ…v,v…vợ chồng chị H’Manh đã biết áp dụng vào việc chăm sóc và nuôi con, như: cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm với đầy đủ các chất dinh dưỡng và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng, thường xuyên theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ và đưa con đi tiêm chủng ở Trạm Y tế theo đúng lịch hẹn của cán bộ y tế… Nhờ đó, con gái đầu 4 tuổi và bé trai 8 tháng của anh chị đều khỏe mạnh và thông minh.
Ông Ama Thua- bố của chị H’Manh Byã, buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk tâm sự: “Từ khi vợ chồng H’Manh còn ở chung với gia đình, cả nhà cũng đã tạo điều kiện cho H’Manh nghỉ ngơi, không làm việc nặng khi mang thai, không đi nương rẫy nhằm tránh hít phải thuốc bảo vệ thực vật…”
Là người chồng hết lòng thương vợ, yêu con, anh Y Dũng Mrang –chồng chị H’Manh luôn dành những phần việc nặng về mình, giúp đỡ, chia sẻ việc chăm sóc con cái cùng vợ, anh còn dành sự chăm sóc đặc biệt cho gia đình qua việc thực hành những bữa ăn dinh dưỡng…
Anh Y Dũng Mrang, buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Mình luôn tạo điều kiện cho vợ ở nhà vừa trông con vừa chăn nuôi để gia đình có thêm thu nhập. Nếu ốm đau thì còn có thứ để bán lấy tiền chữa bệnh hoặc về lâu dài thì có vốn để mua thêm bò về nuôi, phát triển kinh tế gia đình.”
Không chỉ quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho gia đình mình, vợ chồng chị H’Manh còn tích cực tuyên truyền, vận động những người dân trong buôn Bhung, trong xã CưPui thực hiện bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đến nay, nhiều gia đình trong buôn Bhung đã xem gia đình chị H’Manh là một tấm gương sáng về bình đẳng giới, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, nuôi con đảm bảo dinh dưỡng, phát triển tốt kinh tế gia đình…
Chị H’Blanh Byã, buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk kể: “Là một người hàng xóm của gia đình chị H’Manh, tôi đã học hỏi được một số kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe cho con, nhất là thực hành dinh dưỡng cho con, nhờ đó, con trai tôi hiện được 25 tháng tuổi đạt hơn 12kilôgam, hiện tôi vẫn tiếp tục cho con bú.”
Nhận xét về gia đình chị H’Manh Byã, ông Y Păm Byã –Buôn Trưởng buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trong buôn có 198 hộ thì có khoảng 50 hộ là vợ chồng trẻ, trong đó gia H’Manh Byã là một trong những cặp vợ chồng trẻ có tư tưởng tiến bộ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và đã mạnh dạn ra ở riêng để sản xuất kinh tế. Từ chỗ không có vốn liếng, tải sản gì thì hiện nay vợ chồng H’Manh đã ổn định kinh tế, hàng tháng có thu nhập để nuôi con…”
Với những nỗ lực của vợ chồng chị H’Manh ở buôn Bhung, xã CưPui, huyện Krông Bông, Ban quản lý Dự án “ Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” tỉnh ĐắK Lắk đã biểu dương, khen thưởng cho gia đình chị H’Manh, là một trong những gia đình tiêu biểu của huyện Krông Bông tại Hội nghị sơ kết phong trào vận động cộng đồng: “Chăm sóc cho mẹ, sức khỏe cho con” năm 2013.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã biểu dương, khen thưởng 238 cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích cao trong phong trào tại 2 huyện Krông Bông và EaSúp .
Từ những gương điển hình về sản xuất kinh tế, cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày, các gia đình ở xã CưPui nói riêng và huyện Krông Bông nói chung đã có những chuyển biến đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai, và chăm sóc trẻ em. Đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi của huyện Krông Bông còn 25%, thể thấp còi 36%, nghĩa là đã giảm xuống 3% so với năm 2010. Tỷ lệ phụ nữ bị các tai biến sản khoa, phụ nữ sinh con tại nhà, trẻ sinh ra nhẹ cân… đã giảm rõ rệt.
Hiệu quả của phong trào vận động cộng đồng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của 2 huyện Krông Bông, EaSúp nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Bài: Hương Xuân, ảnh: Đình Thi
(Trung tâm TT-GDSK)