27/02/2017 12:00
Để sinh con khỏe mạnh và thông minh, từ trước và trong khi mang thai, các sản phụ cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cũng như sức khỏe để làm mẹ an toàn.
Để sinh con khỏe mạnh và thông minh, từ trước và trong khi mang thai, các sản phụ cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cũng như sức khỏe để làm mẹ an toàn.
Chị Hà Thị Thu (thôn 5, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) năm nay vừa tròn 30 tuổi, đã kết hôn và có một đứa con trai 6 tuổi. Dự định có đứa con thứ hai, trước khi mang thai, chị đã đến trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện và điều trị những bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, đồng thời nghe tư vấn của cán bộ y tế về chế độ dinh dưỡng cũng như tiêm phòng một số vắcxin phòng bệnh cúm, thủy đậu, rubella... Chị Thu chia sẻ: “Lần sinh đầu mình cũng thường xuyên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, thực hiện chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi điều độ, bổ sung sắt và canxi đầy đủ… nên em bé ra đời hoàn toàn khỏe mạnh. Giờ định mang thai lần 2, mình càng cảm thấy cần thiết phải khám sức khỏe và chuẩn bị kỹ cho một thai kỳ khỏe mạnh”.
|
Dù mới mang thai lần đầu nhưng chị Dương Thị Nguyệt Nga (phải) thực hiện khám thai định kỳ rất đều đặn. |
Còn chị Dương Thị Nguyệt Nga (tổ dân phố 3, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đang mang thai ở giai đoạn 3 tháng giữa. Chị thực hiện khám thai định kỳ rất đều đặn, mỗi tháng một lần. Theo chị Nga, việc khám thai thường xuyên không chỉ giúp phát hiện kịp thời những bất thường xảy ra trong thời kỳ mang thai để phòng ngừa tai biến mà còn được các bác sĩ sản khoa hướng dẫn những vấn đề liên quan đến tình trạng thai sản của bản thân như: chế độ dinh dưỡng, chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý để bảo đảm sức khỏe cũng tinh thần.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh nhấn mạnh: Trong thời kỳ mang thai, bà mẹ cần chủ động đi khám thai tại cơ sở y tế, ít nhất 3 lần vào các thời kỳ, như: ba tháng đầu là để xác định có thai hay không, thai đã vào tử cung chưa…; ba tháng giữa kiểm tra để biết thông tin về sự phát triển của thai nhi; ba tháng cuối khám để biết sự phát triển của thai, ngôi thai, nhau thai, dự kiến ngày sinh, trọng lượng của bé khi ra đời cũng như tiên lượng về cuộc sinh sắp tới. Tuy nhiên, trong thời kỳ cuối của thai kỳ, tốt nhất cần khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bất thường hoặc dấu hiệu chuyển dạ.
Ngoài ra, trước khi sinh, bà mẹ cần vệ sinh thân thể và tầng sinh môn nhằm tránh nhiễm khuẩn, sinh hoạt tình dục phù hợp, chăm sóc và vệ sinh vú hằng ngày cũng như tập thể dục, lao động nhẹ nhàng giúp thai phát triển khỏe mạnh và sinh đẻ dễ dàng hơn, nhất là có một tinh thần thỏa mái, vui vẻ, sẵn sàng cho cuộc “vượt cạn” an toàn.
Khi có các dấu hiệu chuyển dạ, như: đau bụng cơn, có dịch hồng ở âm đạo, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cuộc sinh diễn ra an toàn; không nên sinh tại nhà. Trong trường hợp thai nhi có các dấu hiệu già tháng, đa thai, đa ối, thiếu ối nhau tiền đạo, ngôi bất thường hoặc mẹ có tiền sử mổ lấy thai, mẹ bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, hen phế quản… sẽ được các bác sĩ xử trí kịp thời hoặc chỉ định chuyển tuyến cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa cũng lưu ý: Việc chăm sóc sau sinh cũng đóng vai trò rất quan trọng, đây là giai đoạn chăm sóc nhằm giúp cơ thể sản phụ phục hồi sức khỏe trở lại. Do đó, cần theo dõi sản dịch ra quá nhiều hay quá ít, thường thì sau khi sổ nhau sản dịch ra nhiều và giảm dần và sẽ hết sau 3 tuần. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, khi xảy ra một trong những hiện tượng như: Ngất xỉu, ra nhiều máu đỏ tươi kèm máu cục, đau bụng dữ dội, sản dịch hôi, vết mổ sưng đau rỉ máu…cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Một điều quan trọng nữa là, ngay sau sinh cần cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt bởi phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sản phụ mà còn tốt cho cả em bé, cho trẻ bú mẹ vừa giúp cơ thể mẹ nhanh chóng bình phục vừa giúp trẻ có sức đề kháng tốt. Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo, sau sinh từ 1 - 2 ngày, bà mẹ có thể tắm gội bình thường bằng nước ấm ở nơi kín gió, không nên ngâm mình trong nước; không ăn uống kiêng khem mà cần nghỉ ngơi đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu đạm, chất xơ, uống nhiều nước để tăng lượng sữa cho con bú, bảo đảm mẹ khỏe, con khỏe, gia đình hạnh phúc.
Hương Xuân –Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác