Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có hiện có 2.224 hộ với 12.462 nhân khẩu sinh sống ở 25 cụm dân cư thuộc 13 thôn, buôn; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,6%. Trong những năm qua, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Cư Pui luôn đứng đầu huyện Krông Bông.
Từ năm 2012 đến năm 2014, xã Cư Pui có 830 trẻ em được sinh ra, trong đó, tỷ lệ con thứ 3 trở lên chiếm 26%; riêng năm 2014, xã có 99 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 33% số trẻ được sinh ra, cao hơn mặt bằng chung ở huyện Krông Bông 13,9%.
|
Tình trạng sinh đông, sinh dày vẫn xảy ra phổ biến ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui. |
Sinh đông, sinh dày đã khiến nhiều gia đình trong xã lâm vào cảnh nghèo túng quanh năm. Vợ chồng anh Mã Văn Sánh và chị Đào Thị Kia ở thôn Ea Lang đã có 4 đứa con: đứa con đầu sinh năm 2001, đứa út sinh năm 2011. Nhiều lần được cộng tác viên dân số vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng vợ chồng anh Sánh vẫn chưa muốn thực hiện. Cả nhà anh Sánh chỉ trông vào thu nhập từ 1 ha sắn, nhưng đất đai khô cằn lại không có điều kiện chăm sóc nên thu nhập rất thấp. Ngoài ra, vợ chồng anh Sánh còn tranh thủ đi làm thuê. Mặc dù “đầu tắt mặt tối” quanh năm nhưng gia đình anh Sánh vẫn chưa thoát được cảnh nghèo đói, cả nhà vẫn phải sống trong căn nhà tuềnh toàng ghép bằng gỗ tạp. Kinh tế khó khăn nên đứa con đầu của anh Sánh mới học hết lớp 5 phải bỏ học ở nhà phụ giúp việc nhà; 2 đứa con kế tiếp đang học lớp 3, phải đi bộ 15 km đến trường vì bố mẹ không có tiền mua xe đạp. Anh Chắng Mi Gió và chị Súng Thị Mía ở thôn Ea Uôl kết hôn năm 2005 khi cả hai mới ở độ tuổi vị thành niên, đến nay đã có 4 đứa con. Do bố mẹ kết hôn sớm, thiếu kiến thức về nuôi dạy con và không có điều kiện chăm sóc nên những đứa con của anh chị sinh ra đều bị suy dinh dưỡng. Thu nhập từ 1 ha đất đồi khô cằn để trồng sắn, trồng ngô hằng năm không đủ trang trải cuộc sống và chăm lo cho bầy con đang tuổi ăn, tuổi học.
|
Chị Vương Thị Nhung, cộng tác viên dân số thôn Ea Uôl (bìa phải)
đang vận động chị Súng Thị Mía đi đăng ký biện pháp tránh thai. |
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn xảy ra với nhiều gia đình khác ở xã Cư Pui, thậm chí có những cặp vợ chồng đã sinh 7, 8 đứa con. Sinh đông và sinh dày đã tác động không nhỏ đến chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cư Pui chiếm 26,71%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiếm 28%. Nguyên nhân của việc tảo hôn và sinh đông con là do trình độ dân trí thấp, tình trạng di cư tự do diễn ra thường xuyên, tư tưởng thích sinh đông con và phải có con trai để “thờ cúng tổ tiên” còn in đậm trong suy nghĩ của đại bộ phận người dân.
Trước tình trạng này, nhằm giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, xã Cư Pui đã chú trọng đến công tác truyền thông về dân số-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Với nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu nhân Ngày Dân số thế giới 11-7, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Dân số Việt Nam 26-12; tuyên truyền trên loa truyền thanh; tọa đàm, sinh hoạt nhóm nói chuyện chuyên đề, tư vấn hộ gia đình…, Ban Dân số-KHHGĐ xã truyền đạt đến người dân các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Dân số-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn… Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, Đảng ủy, chính quyền xã Cư Pui đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dân số-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông tăng cường công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao. Ông Y Lai Niê, Trưởng Ban Dân số-KHHGĐ xã Cư Pui cho biết: “Trong năm 2015, chúng tôi tăng cường công tác truyền thông, vận động, chú trọng vào cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên thanh niên nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ và hành vi, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, phòng tránh tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông dân số nên từ đầu năm 2015 đến nay, xã Cư Pui vận động mới được 101 ca sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; trong đó, có 34 ca đặt dụng cụ tử cung, 47 ca uống thuốc tránh thai, 9 ca tiêm thuốc tránh thai, 11 trường hợp đăng ký sử dụng bao cao su.
|
Ban Dân số xã Cư Pui đến nhà vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. |
Tuy vậy, với 2.151 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng, trong đó có 706 cặp vợ chồng chưa sử dụng biện pháp tránh thai vẫn là một thách thức không nhỏ cho đội ngũ làm công tác dân số ở địa phương. Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số-KHHGĐ, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ đến với người dân vùng có mức sinh cao nói chung và xã Cư Pui nói riêng rất cần sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể địa phương.
Thảo Nguyên
http://dansodaklak.gov.vn/