26/06/2015 12:00
Cư Pui hiện vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông. Ngoài nguyên nhân sản xuất kinh tế lạc hậu thì những hạn chế trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình đã khiến cho người dân nơi đây khó thoát khỏi cảnh nghèo.
Cư Pui hiện vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông. Ngoài nguyên nhân sản xuất kinh tế lạc hậu thì những hạn chế trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình đã khiến cho người dân nơi đây khó thoát khỏi cảnh nghèo.
Hình ảnh Lễ ra quân chiến dịch dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2015 tại huyện Krông Bông
Khó khăn tại trạm hiện nay là chưa có cán bộ y tế người Mông
và hầu hết cán bộ tại trạm không biết tiếng Mông.
Xã Cư Pui hiện có 2224 hộ gia đình, trong đó có 721 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,4%. Nơi đây có gần 90% là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, vì vậy những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế, thậm chí nhiều người còn hiểu sai về tác dụng của các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên không chủ động tiếp cận hoặc không tin tưởng khi được cán bộ y tế tuyên truyền. Chị Vương Thị Nhung, cộng tác viên dân số thôn Ea Nuôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông chia sẻ: Nhiều người còn cho rằng triệt sản hay uống thuốc tránh thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến năng suất lao động giảm.
Chị H’Bái Byă ở buôn Đắk Ktur, xã Cư Pui năm nay 45 tuổi nhưng đã có tới 9 đứa con. Đứa lớn nhất 16, còn đứa nhỏ nhất mới lên 6. Đất đai sản xuất thì ít, nhà lại đông con nên dù có cố gắng cày thuê cuốc mướn, lao động cật lực đến đâu gia đình chị vẫn không đủ gạo tiền cho cuộc sống hàng ngày. Cái đói thường xuyên đến vào những mùa giáp hạt, con cái không được học hành đến nơi đến chốn, ngôi nhà với 12 miệng ăn cứ mãi luẩn quẩn trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo.
Năm 2014, xã Cư Pui có 113 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, đa phần là ở các thôn Ea Uôl, Cư Tê và Ea Bar. Trong tổng số 2.151 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có gia đình thì chỉ có 1.114 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm tỷ lệ 51,7%.
Cư Pui là nơi tập trung của đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào làm ăn sinh sống, chiếm gần 54%. Đa phần họ theo đạo Tin lành và không thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Họ sinh đẻ theo khả năng và quan niệm “Trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Bên cạnh đó, tư tưởng “Trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại ở hầu hết các gia đình người Mông, đặc biệt là trong nếp nghĩ của những người lớn tuổi. Việc sinh con trai nối dõi tông đường trở thành nhiệm vụ của người phụ nữ và là niềm tự hào của dòng tộc. Bác sỹ Lê Văn Giáo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Pui cho biết: Trong tổng số các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên thì gia đình người Mông chiếm tỷ lệ trên 70%.
Trong những năm qua, Trạm y tế xã đã thành lập đội ngũ cộng tác viên dân số tại tất cả các thôn, bản người Mông và tích cực tuyên truyền, vận động sinh đẻ có kế hoạch. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, đặc điểm địa hình đa phần là đồi núi, dân cư phân bố không đồng đều, người Mông thường có tập quán di canh, di cư tự do, không định cư lâu dài ở một nơi cố định khiến cho các cán bộ dân số khó tiếp cận và quản lý. Bên cạnh đó, vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng trở thành một rào cản lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng truyền thông. Việc tìm được cộng tác viên dân số người Mông rất khó khăn, vì rất ít người được học hành đầy đủ. Bác sỹ Lê Văn Giáo, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cư Pui cho biết: Khó khăn tại trạm hiện nay là chưa có cán bộ y tế người Mông và hầu hết cán bộ tại trạm không biết tiếng Mông.
Bên cạnh những phương thức như truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, gián tiếp qua loa phát thanh của xã, Trạm y tế đang tích cực phối hợp với các chức sắc họ đạo tại các thôn, bản người Mông tập trung tuyên truyền vào các đối tượng là phụ nữ, người chồng, mẹ chồng về lợi ích của việc sinh ít con với sự phát triển kinh tế của gia đình và sức khỏe của người phụ nữ. Lãnh đạo Trạm y tế cho rằng dựa vào sức ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng sẽ từng bước nâng cao chất lượng dân số kế hoạch hóa gia đình, từ đó ổn định đời sống kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo./.
Bài, ảnh: Thu Huế - Bảo Châu
Trung tâm TT GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác