Nhiều đứa trẻ mới chớm tuổi trăng tròn đã được cha mẹ cưới vợ, gả chồng hay việc anh em con cô, dì, chú, bác ruột lấy nhau là chuyện đang xảy ra ở nhiều nơi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Và những câu chuyện ấy đã để lại nhiều hệ lụy.
Con cô con cậu vẫn nên… vợ chồng
13 tuổi, đang học lớp 6, nhưng Mã Văn Giàu (ở thôn 7A, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) bị bố mẹ ép nghỉ học ở nhà lấy vợ - một cô gái chưa hề biết mặt và lớn hơn em 3 tuổi. Nói là cưới, song đó chỉ là cái lễ coi như 2 bên gia đình đồng ý cho các con về ở với nhau chứ vợ chồng trẻ chưa thể đăng ký kết hôn vì cả 2 đều chưa đủ tuổi. Vốn không thích cô vợ bố mẹ cưới về, lại bị bạn bè cười nhạo nên sau khi cưới, Giàu thường xuyên bỏ nhà đi. Tương tự, khi đang học lớp 8, H’ Liễu Ayun (ở buôn Puăn A, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) bỏ học ở nhà phụ bố mẹ lo việc rẫy nương. Để có thêm lao động cho gia đình, bố mẹ H’Liễu hỏi cưới Y Tha Krông (con của một gia đình cùng buôn) cho con gái. Đám cưới diễn ra khi H’Liễu mới 16 tuổi, nhưng với bà H’ Lônh Ayun (mẹ của em) thì: “Con gái ở tuổi đó mà chưa lập gia đình sẽ bị coi là gái già, thêm một vài tuổi nữa sẽ chẳng ai lấy”. Nhận thức chưa tròn của bậc làm cha làm mẹ và cả những cặp vợ chồng “ăn chưa no, lo chưa tới” đã khiến cho hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại như một lời ru buồn ở nơi đây.
|
Do tảo hôn, nhiều em gái đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) đã làm mẹ ở tuổi trăng tròn. |
Không chỉ có hủ tục tảo hôn, ở một số nơi trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng kết hôn cận huyết thống. Điển hình như ở xã Đắk Liêng, huyện Lắk, chuyện con cô con cậu ruột lấy nhau vẫn diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn như cuộc hôn nhân giữa Y Lương Pang Sưk và H’Ninh Nơm ở buôn Ranh B (mẹ Y Lương là em gái ruột của bố H’Ninh); hay Y Lâm Buôn Dap và H’An Nơm ở buôn Bàng yêu nhau và kết hôn khi cả 2 cũng là anh em con cô con cậu ruột… Những cuộc hôn nhân này đã diễn ra từ vài năm trước nhưng đến nay đó vẫn là những câu chuyện kết thúc không có hậu đeo đẳng cả 2 gia đình, họ tộc, bởi những đứa trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống đã phải gánh chịu hậu quả mà ông bà, cha mẹ chúng gây ra.
Những hệ lụy
Sau khi kết hôn (năm 2005), vợ chồng Y Lương Pang Sưk và H’Ninh Nơm sinh con trai đầu lòng và đặt tên là Y Lip Nơm. Không có được may mắn như những đứa trẻ khác, vừa lọt lòng, Y Lip bị khoèo chân, lớn lên đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. Mong muốn có được đứa con lành lặn, năm 2009, H’Ninh tiếp tục mang thai và hạ sinh một cô con gái. Chưa kịp vui, thì nỗi buồn ập đến khi cô con gái của anh chị đã qua đời lúc 6 tháng tuổi vì căn bệnh bại não. Đau buồn cho số phận hẩm hiu, nhưng cả 2 vợ chồng Y Lương đều không biết rằng, nỗi đau mà những đứa con của họ gánh chịu xuất phát từ việc 2 vợ chồng là những người có quan hệ huyết thống.
|
Lấy chồng sớm, đẻ nhiều, đẻ dày dẫn đến cuộc sống nghèo khó của nhiều phụ nữ ở buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc). |
Cũng bởi cha mẹ là người cận huyết thống, 3 đứa con của Y Lâm Buôn Dap và H’An Nơm sinh ra cũng không phải là những đứa trẻ may mắn. Khi lọt lòng mẹ, Y Tí Nơm (con trai đầu của anh chị) đã bị khoèo chân, tay, bại não, không nói, không nhai được, mọi sinh hoạt đều dựa vào sự giúp đỡ của người thân. Hai đứa sau may mắn hơn anh là không bị dị tật nhưng cũng thường xuyên đau ốm và không nhanh nhẹn như những trẻ cùng trang lứa.
Theo các chuyên gia về tâm lý, những bé gái còn non dại chưa có kiến thức về cuộc sống hôn nhân và gia đình cũng như sức khoẻ sinh sản mà sớm làm vợ, làm mẹ thì cuộc sống rất vất vả, không hạnh phúc và phần lớn đều rơi vào bi kịch. Còn nghiên cứu của các nhà y học về hôn nhân cận huyết thống cho thấy, hầu hết những trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gen lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như hồng cầu hình liềm; rối loạn chuyển hóa; thiếu enzim G6PD; dị dạng bẩm sinh; mù màu; bạch tạng; đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh…
(Còn nữa)
Kỳ II: Vẫn còn nhiều trăn trở
Kim Oanh – Nguyễn Xuân