Bố mẹ đều có chung suy nghĩ: con gái đang bước vào tuổi dậy thì, có thể nội tiết thay đổi nên xuất hiện những cơn đau như vậy. Chỉ đến khi những cơn đau xuất hiện liên tục, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Mỹ A., bố mẹ mới đưa bé đi khám. Nhận kết quả chẩn đoán từ các bác sĩ (BS) BV Nhi Trung ương: bệnh nhi bị u buồng trứng, bố mẹ Mỹ A. hết sức ngỡ ngàng.
Mẹ Mỹ A. chia sẻ: “Gia đình còn chưa hết bất ngờ vì không nghĩ bé mới hơn 10 tuổi lại bị u buồng trứng thì BS thông báo cần phải phẫu thuật gấp vì khối u khá to, nhiều khả năng phải cắt bỏ một bên buồng trứng”.
U nang buồng trứng - Nguồn ảnh: internet.
|
TS Phạm Duy Hiền, Phó trưởng khoa Ngoại, BV Nhi Trung ương cho biết, ngày 20/10, khi phẫu thuật cho Mỹ A., các BS đã bóc tách khối u buồng trứng nặng tới 3kg. Do khối u được phát hiện muộn và đã phát triển quá lớn buộc phải cắt bỏ hoàn toàn một bên buồng trứng của bệnh nhi.
May mắn hơn Mỹ A., bệnh nhi Mai Lan P., 11 tuổi, ở Hà Nội được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu, BV Nhi Trung ương trong tình trạng nôn, kèm theo đau bụng từng cơn. Qua thăm khám và siêu âm ổ bụng, các BS phát hiện bé có khối u buồng trứng bên trái, có khả năng bị xoắn, phải tiến hành mổ cấp cứu.
Trường hợp này nhờ được phát hiện sớm, các BS đã phẫu thuật nội soi. Khối u đã được cắt bỏ, bảo tồn buồng trứng, đồng thời cố định buồng trứng bên phải cho bệnh nhi.
Theo TS Phạm Duy Hiền, u buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn). Sở dĩ bệnh khó phát hiện do ở giai đoạn đầu bé chỉ đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, nhiều phụ huynh không để ý, cứ nghĩ đơn giản con bị đau bụng do chu trình kinh nguyệt. Đa số các trường hợp vào viện cấp cứu khi bé đã có biểu hiện đau bụng đột ngột, kèm theo nôn và có khối u ở hạ vị. Đặc biệt, có những trường hợp u quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như khó tiểu, táo bón…
U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng: xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính. Xoắn cuống khối u thường gây đau bụng dữ dội, trong khi vỡ u gây đau bụng kèm dấu hiệu chảy máu bên trong. Chính những nguy cơ có thể gặp khi phát hiện muộn nên TS Hiền khuyến cáo, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa, nếu thấy có một trong các triệu chứng: đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, nôn, đôi khi trẻ có thể bị choáng vì đau; bụng to bất thường; sờ thấy khối ở vùng bụng kèm theo đau ở vùng này. Việc điều trị khối u tùy thuộc vào tuổi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển bệnh.
Với u nang buồng trứng, phẫu thuật nội soi mang lại tỷ lệ thành công lớn, đặc biệt là ở trẻ gái. Trong hơn 90% trường hợp, các BS có thể bảo tồn được một phần buồng trứng của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng được chỉ định khi có khối u ác tính hoặc buồng trứng bị xoắn nhiều. Nếu u lành phát hiện sớm, BS chỉ bóc tách khối u, bảo toàn buồng trứng. Trong trường hợp phải cắt bỏ một bên buồng trứng thì vẫn còn một bên, đến tuổi trưởng thành bé gái hoàn toàn có thể sinh nở bình thường. Việc điều trị u buồng trứng không nên bỏ lỡ thời gian, nhất là với trẻ gái, để giúp các em sớm chữa được bệnh, giảm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hạnh phúc sau này. Không chỉ phụ nữ có gia đình mà bé gái cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường.
http://phunuonline.com.vn/
BẢO THOA