30/09/2024 03:29
“Để cai thuốc lá thành công, mỗi người cần phải đặt ra cho mình kế hoạch rõ ràng, phải có ý chí và quyết tâm, các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá hoặc liệu pháp thay thế nicotine, như: miếng dán nicotine, viên ngậm nicotine, bình hít nicotine, bình xịt mũi nicotine, nicotine dạng tiêm và uống…chỉ là yếu tố phụ bởi khi không sử dụng các liệu pháp này cơn thèm thuốc sẽ xuất hiện trở lại”, đó là khẳng định của bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đắk Lắk.
Ông P.A.D, 63 tuổi ở phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột hút thuốc từ năm 20 tuổi. Năm 40 tuổi ông phát hiện bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mặc dù biết rất rõ hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khoẻ và bệnh phổi tắc nghẽn cũng sẽ nặng hơn nhưng ông vẫn không thể bỏ được thuốc lá. Ông cho hay: “Từ khi phát hiện bệnh đến nay, tôi đã 5 lần “cai” thuốc lá nhưng không thành công. Mỗi lần bỏ thuốc là người mệt mỏi, bứt rứt khó chịu, miệng nhạt nên phải tìm thuốc để hút. Cũng vì không bỏ được thuốc lá nên bệnh càng ngày tiến triển càng nặng, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà”.
Ông N.V.M, 59 tuổi ở xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột hút thuốc lá từ thời thanh niên. Ban đầu ông chỉ hút cho vui 1 đến 2 điếu mỗi ngày, sau đó tăng dần dần và ngày nào không có thuốc lá không thể chịu được. Ông M cho biết: “Tôi đã hút thuốc mấy chục năm nay nên việc từ bỏ nó thật khó. Tôi cũng biết hút thuốc có hại cho sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp nên đã có rất nhiều lần tôi đã lên ý định bỏ thuốc lá, nhưng mỗi khi cơn thèm thuốc tới mọi quyết tâm của tôi lại lập tức bị dập tắt. Thời gian gần đây, tôi thấy sức khỏe của mình xuống dốc. Sáng nào ngủ dậy cũng ho và khạc đờm nhiều nên tôi không dám hút thuốc nhưng chỉ được vài ngày là không chịu nổi nữa. Nhiều lúc tôi thấy buồn chính bản thân mình vì không bỏ được thuốc lá”.
|
Bệnh nhân nhập viện điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính thường xuyên do không bỏ được thuốc lá. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Chia sẻ về lý do nhiều người khó bỏ thuốc lá, bác sĩ Rmah Lương cho biết: trong thuốc lá có chứa chất nicotine kích thích sinh ra dopamine, đầu độc thần kinh. Ở liều lượng vừa phải, chất này gây hưng phấn, linh hoạt, kích thích người sử dụng đi vào trạng thái tươi tỉnh, vui vẻ, làm việc hiệu quả. Theo thời gian, tác dụng kích thích này giảm dần. Muốn duy trì được trạng thái linh hoạt ban đầu, người hút thuốc phải sử dụng thuốc với một liều lượng cao hơn. Và cứ thế, lượng thuốc hút càng nhiều thì sự lệ thuộc cũng càng lớn. Nếu ngưng hút thuốc thì nồng độ chất nicotine trong máu giảm, dẫn đến sụt giảm chất dopamin gây mệt mỏi, bứt rứt, cảm thấy giảm năng lực làm việc. Vì vậy, khi bị lệ thuộc vào thuốc lá, nhiều người hút thuốc sẽ rất khó từ bỏ thói quen này.
“Không có loại thuốc thay thế nào có thể thay thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá thành công. Thuốc lá không khó bỏ nhưng để bỏ thuốc lá thành công cần phải có nghị lực, quyết tâm và thái độ kiên quyết, dứt khoát với hành vi hút thuốc lá. Đồng thời cần phải có sự chuẩn bị tâm lý cũng như phải đặt ra cho mình những việc làm cụ thể như: giảm dần số điếu thuốc sử dụng hằng ngày. Việc giảm dần số lượng điếu thuốc trong ngày sẽ dễ dàng hơn là việc bỏ thuốc một cách đột ngột. Cách làm này sẽ giúp cơ thể tự thích nghi với việc nồng độ nicotine trong máu giảm dần. Đến khi lượng nicotine trong máu giảm đến mức thấp nhất, người hút thuốc dần quay lại gần với trạng thái ban đầu khi chưa hút thuốc lá và khả năng bỏ hẳn thuốc lá sẽ dễ được thực hiện hơn. Khi bỏ thuốc lá, phải sẵn sàng đối mặt với những thay đổi của cơ thể do trong khói thuốc lá có nicotine, là chất gây nghiện. Cai thuốc lá sẽ dẫn đến một số thay đổi về sinh lý, khiến bạn khó chịu do cơ thể đã quen với một lượng Nicotine nhất định khi bạn còn hút thuốc. Những khó chịu này được gọi là “hội chứng cai thuốc” với một số triệu chứng như bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối lọan giấc ngủ. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ xuất hiện trong khoảng 1-3 tuần sau khi cai thuốc. Vượt qua được giai đoạn này, người hút thuốc sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, chỉ sau vài tuần cảm giác này sẽ mất dần. Nên tránh xa những thứ liên quan đến thuốc lá, như gạt tàn, quẹt lửa, tránh xa môi trường quán cà phê, quán nhậu, tụ điểm giải trí… nơi có nhiều người hút thuốc. Như vậy, quá trình bỏ thuốc lá cần phải được tiến hành liên tục và có sự kết hợp cùng lúc nhiều hoạt động. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh và quyết tâm của người muốn bỏ thuốc. Nếu có quyết tâm, việc bỏ thuốc lá sẽ thành công”, bác sĩ Rmah Lương chia sẻ thêm.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác