15/10/2024 02:10
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhận định hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển; để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH trong thời gian tới, kiên quyết không để dịch bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan, kéo dài, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh này.
Theo UBND tỉnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH Dengue trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến hết tháng 9/2024 tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 4.034 ca mắc bệnh SXH Dengue và 02 ca tử vong (tại TP. Buôn Ma Thuột và Thị xã Buôn Hồ). Dịch phân bố ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố; tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột, các huyện: Cư M’gar, Krông Pắc. Qua điều tra ghi nhận ý thức chủ động trong công tác phòng dịch của người dân chưa cao, vẫn còn phát hiện nhiều ổ lăng quăng/bọ gậy tại nhiều hộ gia đình và khu dân cư. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn để diệt lăng quăng/bọ gậy kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại khoản a, mục 3 Công văn số 7208/UBND-KGVX ngày 08/8/2024. Trong đó, lực lượng y tế chủ trì, hướng dẫn chuyên môn, đồng thời, huy động sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể đặc biệt là Đoàn thanh niên, hoàn thành trước ngày 23/10/2024 và báo cáo kết quả về UBND tỉnh thông qua Sở Y tế.
|
Người dân cùng Đoàn thanh niên tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh SXH
|
Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 13/10, Sở Y tế đã nhanh chóng ban hành công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn để diệt lăng quăng/bọ gậy kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó, thực hiện phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế, Trung tâm Y tế tại địa phương để tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, đồng thời, huy động sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể đặc biệt là Đoàn thanh niên. Đồng thời, Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh làm đầu mối tăng cường công tác giám sát, đánh giá nguy cơ diễn biến tình hình dịch bệnh SXH Dengue tại các địa phương đã, đang xảy ra dịch bệnh và có nguy cơ bùng phát dịch, tập trung nguồn lực, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch, không để dịch bùng phát, lây lan ra diện rộng, kéo dài và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch SXH Dengue.
Bác sĩ Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Do đó, ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống SXH dựa vào cộng đồng là một giải pháp giúp huy động tổng thể nguồn lực của cả cộng đồng và mang tính chủ động cao. Qua chiến dịch sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy tại các hộ gia đình và nâng cao vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống dịch SXH. Tạo ra một phong trào rầm rộ, triệt để và toàn diện trong cộng đồng nhằm diệt muỗi và lăng quăng truyền bệnh SXH, giảm sự lan truyền bệnh và giảm số ca mắc. Hưởng ứng chiến dịch, CDC đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên và các khoa, phòng tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại trụ sở làm việc vào chiều thứ 6 hàng tuần. Đồng thời, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ dự phòng bệnh SXH cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, xử lý các ổ dịch không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
|
Lực lượng chức năng tiến hành phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống dịch bệnh SXH.
|
Bệnh SXH là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc đốt và hút máu của muỗi. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác