09/12/2020 04:29
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây ra các bệnh, như: cảm cúm, viêm mũi dị ứng, sởi, tay chân miệng, viêm đường hô hấp hay các bệnh mạn tính trở nặng hơn…Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào mà chủ động trang bị cho bản thân và gia đình kiến thức phòng bệnh hiệu quả. Riêng đối với trẻ em, ngoài những phương pháp phòng bệnh thường xuyên, cần tiêm phòng vắc xin cho trẻ đầy đủ, đúng lịch, cân bằng dinh dưỡng và vận động thường xuyên.
.jpg)
Người dân đeo khẩu trang khi đi khám và điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk
Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch:
Tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Tiêm vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm. Đến nay có gần 30 căn bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh, 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ có vắc xin mà mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu trẻ không bị chết do các bệnh truyền nhiễm hàng năm. Không ốm đau, bệnh tật đồng nghĩa với việc giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm ghánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cân bằng dinh dưỡng:
Cân bằng dinh dưỡng là chìa khóa giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại các dịch bệnh mùa thu đông. Một chế độ ăn được xem là cân bằng dinh dưỡng khi cân đối được 4 yếu tố như cân đối về lipid (lipid về động vật và lipid về thực vật); về vitamin và khoáng chất; 3 chất sinh năng lượng trong chế độ ăn: protein, lipid, carbohydrate; về protein (giữa đạm động vật và đạm thực vật).
Vận động thường xuyên:
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng thì vận động thường xuyên giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Để vận động phát huy hiệu quả tốt nhất, mỗi người nên dành 30 đến 60 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để duy trì sức khỏe, người lớn cần luyện tập ở ở cường độ 150 phút/tuần hoặc 75 phút/tuần, đồng thời duy trì các loại hình vận động có tính kháng lực 2 lần/tuần nhằm tăng cường sức cơ.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO: không cần phải luyện tập những bài tập vận động quá cầu kỳ, phức tạp để rèn luyện sức khỏe, một số bài tập vận động người dân có thể thực hiện ngay tại nhà, như: hít thở, leo cầu thang, tập các bài co duỗi chân tay, nhảy dây, các bài luyện cơ bắp và thăng bằng. Ngoài ra có thể tham khảo các bài thể dục trực tuyến, nhún nhảy theo nhạc hoặc thực hành trò chơi vận động qua video. Nếu chưa nắm rõ phương pháp vận động thích hợp cho bản thân có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Quan trọng hơn, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy người dân khi ra đường, đến nơi đông người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh Covid-19 và các bệnh về đường hô hấp khác. Khi bản thân có triệu chứng, như: hắt hơi, ho, sổ mũi…nên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác và điều trị bệnh theo chỉ định của các bác sĩ./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác