14/12/2020 03:43
Trong thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, trong đó, kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản quan trọng nhất, khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không dám đến cơ sở y tế tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
.jpg)
Người nhiễm HIV được tư vấn sức khỏe
tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Mặc dù đã trải qua 30 năm phòng chống HIV/AIDS với rất nhiều nỗ lực, HIV/AIDS vẫn còn là một vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất tại Việt Nam. Cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV, đó là kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang tiếp tục cản trở khiến cho những nhóm dân dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam chỉ ra rằng, kỳ thị có tác động mạnh mẽ đến cá nhân, cộng đồng và gia đình. Trước hết, kỳ thị dẫn đến những hành vi loại trừ, cô lập ngay trong gia đình hoặc cộng đồng, tước đi của người nhiễm HIV điều kiện sống bình thường của một con người. Kỳ thị và phân biệt đối xử trong một số trường hợp có thể vi phạm nhân quyền của cá nhân hay nhóm người nhiễm HIV. Kỳ thị cũng gây trở ngại cho việc chăm sóc y tế. Nhiều người nhiễm HIV không tìm đến các dịch vụ y tế và điều trị vì sợ bị kỳ thị. Họ không muốn tìm đến điều trị khi bị đau ốm khiến cho sức khỏe có thể bị hủy hoại nghiêm trọng, quan trọng hơn có thể là nguồn lây lan cho cộng đồng nếu không được tư vấn, hướng dẫn phòng ngừa từ các bác sĩ chuyên khoa. Mặt khác, kỳ thị còn cản trở sự hỗ trợ, người nhiễm HIV cần được hỗ trợ và chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần và tình cảm, nhưng họ sẽ không nhận được sự hỗ trợ đó vì sợ phải bộc lộ tình trạng bệnh tật của mình cho người khác biết. Điều đó có nghĩa là họ phải tự mình đối phó với các vấn đề sức khỏe và tâm lý mà không được giúp đỡ.
Do sợ bị kỳ thị, người nhiễm HIV thường mặc cảm. Điều này càng làm những khó khăn liên quan đến HIV/AIDS của họ trở nên trầm trọng hơn. Sự mặc cảm của người bệnh khiến họ sống tiêu cực hơn, buông xuôi, không cố gắng, không tiếp cận với các hoạt động phòng tránh HIV, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và điều trị, hỗ trợ cũng như các phúc lợi cho người sống chung với HIV.
Chính những hệ lụy từ việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, những năm qua để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, Khoa phòng chống HIV/AIDS- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai nhiều hoạt động về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, như: tổ chức tập huấn về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV cho cán bộ phụ trách công tác phòng chống HIV/AIDS; khuyến khích sự tham gia của nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bốn- Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Trong thời gian tới, Khoa sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV theo chỉ thị số 10 của Bộ Y tế chỉ đạo. Bên cạnh đó, sẽ tích cực, chủ động hơn nữa trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới; ưu tiên đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV ở các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và quan trọng hơn cả là làm sao xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong toàn xã hội./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác