06/01/2021 07:30
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm hệ thống niêm mạc lót lên vùng hệ thống mũi xoang. Bệnh thường gây tắc nghẽn mũi, chảy nước mũi, giảm khướu giác và đau đầu .v.v… viêm mũi xoang nếu không được can thiệp điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, thậm chí gây có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
.JPG)
Một trường hợp bị viêm xoang đến khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Xoang mũi là cơ quan đảm nhận chức năng làm ấm, làm ẩm, làm sạch và điều hòa không khí trước khi đưa vào phổi. Bình thường, các lỗ của xoang thông thoáng, dịch do xoang tiết ra và không khí luôn có sự lưu thông. Vào mùa lạnh, độ ẩm cao khiến mật độ vi khuẩn, vi rút gây bệnh trong không khí gia tăng, người có sức đề kháng yếu dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp, hắt hơi, sổ mũi…lúc này, các xoang sẽ bị tắc nghẽn, viêm, phù nề làm cho sự lưu thông không khí giữa các xoang bị ứ trệ, các dịch nhầy bị ứ đọng lại trong xoang dẫn tới viêm xoang. Hơn nữa, vào mùa lạnh, thời tiết khô, hanh sẽ khiến niêm mạc mũi dễ bị khô và nứt nẻ cùng với sự xuất hiện thêm nhiều dị nguyên gây dị ứng như: khói, bụi, phấn hoa…khiến số người bị viêm mũi dị ứng tăng cao. Sau nhiều lần tái phát và không được điều trị dứt điểm, viêm mũi dị ứng sẽ dễ chuyển thành bệnh viêm mũi xoang mạn tính. Chính vì vậy, trời lạnh không chỉ làm gia tăng thêm số người mới mắc bệnh viêm mũi xoang mà còn làm bệnh dễ tái phát và triển trầm trọng hơn.
Theo bác sĩ CKII Võ Nguyễn Hoàng Khôi- Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa vùng tây Nguyên: viêm mũi xoang là bệnh hay tái phát khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vào đông xuân. Bởi khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng cơ thể giảm, thời tiết lạnh dễ gây tình trạng dị ứng, kích thích vùng mũi xoang nên bệnh sẽ tái phát. Hiện nay, trung bình một ngày Khoa Tai mũi họng khám cho hơn 100 bệnh nhân, trong đó số lượng bệnh nhân bị viêm xoang từ 30 đến 40 trường hợp, tăng gần gấp đôi so với những tháng trước đó.
“Viêm mũi xoang có nhiều thể trạng bệnh, tùy vào từng loại mũi xoang mà các bác sĩ sẽ có phương án điều trị thích hợp. Có loại mũi xoang chỉ cần điều trị bằng thuốc, có loại can thiệp bằng phẫu thuật thì tình trạng viêm mới cải thiện. Dù điều trị bằng phương pháp nào đi chăng nữa thì khi có dấu hiệu bị viêm mũi xoang, như: nhức đầu, dịch tiết màu vàng hoặc hơi xanh, nghẽn mũi, gây khó thở bằng mũi, đau nhức và sưng quanh mắt, má, mũi, trán… người bệnh nên đi khám và điều trị dứt điểm, nếu không bệnh sẽ diễn tiến tăng dần, đến một mức độ cơ thể quá sức chịu đựng ở vùng mũi xoang có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, như: viêm đường hô hấp, viêm thanh quản, viêm họng mạn tính; nhiễm trùng ổ mắt, viêm mí, mắt sưng húp, thị lực giảm sút thậm chí có thể dẫn đến mù lòa; viêm tai giữa mủ cấp hoặc viêm ứ dịch nếu không chữa trị kịp thời có thể gây thủng màng nhĩ và gây điếc hoàn toàn; một số trường hợp biến chứng lên não gây viêm não, viêm màng não hoặc áp xe não v.v…Ngoài ra, nếu viêm mũi xoang do nấm, có nhiều loại nấm tối khẩn, tối cấp thì những trường hợp đó rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời”. Bác sĩ Khôi cho biết thêm.
Như trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Phúc, 45 tuổi (thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) phát hiện bản thân bị viêm mũi xoang khoảng 3 tháng gần đây. Từ khi phát hiện mắc bệnh, bản thân anh Phúc thấy sức khỏe vẫn bình thường, nên chưa có ý định điều trị bệnh. Gần đây, khi thời tiết chuyển lạnh, anh thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đặc biệt khướu giác bị mất hẳn. “Tôi đi khám thì bác sĩ cho nhập viện điều trị. Sau 10 ngày nằm viện, sức khỏe của tôi cải thiện tốt, khướu giác dần dần hồi phục. Bác sĩ cho biết nếu tình trạng bệnh của tôi mà không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng khó lường. Thật sự tôi cũng quá chủ quan vì cho rằng viêm xoang thì cũng như bệnh cảm lạnh thông thường”. Anh Phúc chia sẻ.
Viêm mũi xoang mạn tính có khả năng tái phát cao. Để hạn chế bệnh tái phát, các bác sĩ khuyến cáo: người mắc bệnh cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý từ 2-3 lần/tuần; giữ vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp làm dịu cổ họng, loại bỏ các tác nhân có hại và để giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ quan hô hấp trên; rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; làm sạch không gian sống thường xuyên; từ bỏ thói quen hút thuốc lá; tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích, như: phấn hoa, bụi, nấm mốc…; kiểm soát các bệnh lý làm tăng nguy cơ viêm mũi xoang như: viêm họng mạn tính, viêm amidan, viêm VA, trào ngược dạ dày…; uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch và thúc đẩy hoạt động dẫn lưu dịch giữa các xoang; giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là vùng cổ, ngực, mũi; đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài đường và đến những nơi đông người; tránh tiếp xúc với người đang mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp; về chế độ ăn, vào mùa lạnh, người bị viêm mũi xoang mạn tính nên lưu ý không ăn, uống các thức ăn, nước uống đã lạnh, nguội; hàng ngày nên uống nước ấm, hạn chế uống bia lạnh, nước giải khát lạnh, có đá; nên vận động mỗi ngày từ 20 đến 30 phút; tập hít thở không khí trong lành, tránh tập thể dục ở gần đường có nhiều xe cộ qua lại hoặc nơi đông người, có nhiều khói, bụi. Đặc biệt người bị viêm mũi xoang cần phải tuân thủ phát đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý giảm liều hoặc tăng liều và đặc biệt không được thay thế thuốc khác; không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm mũi xoang vì nếu dùng kháng sinh không đúng của bác sĩ có thể làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. ./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác