12/07/2024 02:03
Cùng với việc phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu công tác dân số và phát triển. Nhiều chương trình, đề án được triển khai và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2, có 15 huyện, thị xã, thành phố với 184 xã, phường, thị trấn. Dân số trung bình của tỉnh năm 2023 là 1.951.588 người, mật độ dân số trung bình 147 người/km2 gồm 49 dân tộc anh em sinh sống, dân cư nông thôn chiếm 78% dân số. Để nâng cao chất lượng dân số, những năm qua, ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, chủ động khắc phục những khó khăn mang tính đặc thù để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngay từ cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông giảm sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh... Nhờ đó, công tác dân số của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Tỷ suất sinh hàng năm giảm 0.2‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì hàng năm: 1,1%, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại biến động (năm 2020 đạt 67.8%, năm 2021 đạt 68.1%, năm 2022 đạt 66,33% và năm 2023 đạt 68,39%).
|
Trẻ được khám, sàng lọc và tư vấn để đảm bảo sức khỏe tiêm chủng. (ảnh: Quang Nhật)
|
Bà H’Bê Niê – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác dân số, tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn là tỉnh có mức sinh cao và thực trạng mức sinh vẫn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh và các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án, hoạt động để vừa phấn đấu đạt mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh như Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh năm 2024. Kết quả 6 tháng 2024 đã có 35% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và gần 30% trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh trên địa bàn; Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, hiện 15/15 đơn vị đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho trẻ vị thành niên, thanh niên, kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 184/184 xã đã triển khai thực hiện với 100 câu lạc bộ và 3.183 thành viên tham gia, tổ chức 115 lần sinh hoạt với 3.982 lượt người tham gia, tổ chức 112 buổi nói chuyện chuyên đề với tổng cộng 5.762 lượt người tham gia, thảo luận nhóm tại cộng đồng 322 lần với 5.714 lượt người tham gia và 14 buổi sinh hoạt ngoại khoá thu hút 4.843 lượt người tham gia; Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng triển khai tại 184 xã, phường, thị trấn trong đó đã tổ chức khám định kỳ 41 lần với 8.254 người cao tuổi tham gia, khám và tư vấn thường xuyên tại Trạm Y tế cho 19.579 người cao tuổi và lập hồ sơ theo dõi cho 32.542 người cao tuổi. Đồng thời tiếp tục duy trì mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… qua đó đã truyền tải cho người dân nắm được các kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các bệnh được sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cách làm mẹ an toàn…
|
Cán bộ Trạm y tế tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp thanh niên chuẩn bị lập gia đình. (ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng theo bà H’Bê, thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Lắk về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu duy trì mức giảm sinh hàng năm và tiến tới đạt mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên và duy trì ổn định; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm qua, công tác Dân số-KHHGĐ ở tỉnh Đắk Lắk được triển khai đồng bộ và sâu rộng, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Y tế Đắk Lắk. Hàng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã chú trọng tuyên truyền các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và Chương trình hành động của Chính phủ, của tỉnh về công tác dân số trong tình hình mới đến các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, để bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả và đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên tập trung truyền thông sâu rộng những vấn đề nổi cộm trong công tác dân số của địa phương như giảm mức sinh để đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả ưu thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Mở rộng kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số; đào tạo, tập huấn và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế để đảm bảo đáp ứng được các dịch vụ về dân số cho nhân dân. Tổ chức các đội cung cấp dịch vụ lưu động đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng trọng điểm... đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn, chất lượng cho các đối tượng. Xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân số các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung này vào các hoạt động của ngành, đơn vị. Bà H’Bê Niê - Chi cục trưởng Chi cục dân số - KHHGĐ, nhấn mạnh, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm thay đổi hành vi, sự có mặt của các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số đã tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo bước đột phá trong công tác dân số tại tỉnh trong thời gian qua. Do vậy, sức khỏe người dân ngày được cải thiện. Năm 2023, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 68,39%; Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 49%; sàng lọc sơ sinh 67%; Tỷ suất sinh thô: 18,1‰ (2019) giảm còn 15,6‰ (2023); Tổng tỷ suất sinh: 2,37 con/bà mẹ (2019) giảm còn 2,19 con/bà mẹ (2023). Tuổi thọ trung bình: 70,6 tuổi (2019) tăng lên 71,9 tuổi (2023).
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, công tác dân số của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trên địa bàn tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số, diện tích đất rộng, một số nơi trình độ dân trí còn hạn chế kiến thức về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số; Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo; công tác đáp ứng chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa một số nơi chưa tốt. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, phương tiện tránh thai miễn phí cắt giảm, sự đa dạng các phương tiện tránh thai miễn phí không còn, phần nào đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu, cũng như nhu cầu sử dụng miễn phí của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí công tác truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; Tỷ lệ sinh con thứ 3 hiện nay đang có xu hướng tăng dần, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Đắk Lắk là tỉnh có dân số trẻ với tỷ lệ dân số 15-64 tuổi năm 2019 là trên 50%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi trở lên năm 2020 là 6,4% và tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi năm 2023 là 12,4%, do đó tỉnh đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tốc độ già hóa dân số nhanh đặt ra thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động, việc làm... và đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong khi đó nhân lực và cơ sở vật chất, hệ thống chuyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn thiếu.
|
Người cao tuổi được chú trọng chăm sóc sức khỏe. (ảnh: Quang Nhật)
|
“Khó khăn, thách thức còn nhiều, tuy nhiên, để chất lượng dân số được nâng cao hơn nữa, trong thời gian tới Chi cục Dân số-KHHGĐ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế nhằm nêu bật được quan điểm của Đảng về công tác Dân số trong tình hình mới. Qua đó, đảm bảo thống nhất hành động, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Với chủ đề cho công tác dân số năm 2024 “Đầu tư cho Công tác Dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, Chi cục sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, phối hợp tăng cường công tác truyền thông lồng ghép chung vào các chương trình Dân số - KHHGĐ. Đồng thời thúc đẩy triển khai xây dựng Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết hợp đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên dưới nhiều hình thức và xây dựng các kế hoạch, phối hợp đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - KHHGĐ cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và Cộng tác viên Dân số - KHHGĐ…”, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ H’Bê Niê chia sẻ.
Với những kế hoạch cụ thể cùng sự quyết tâm và các kết quả đã đạt được là cơ sở để tỉnh Đắk Lắk hoàn thành các chỉ tiêu về công tác dân số đã đề ra. Năm 2024 cũng là năm bản lề của Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, do vậy công tác dân số rất cần sự quan tâm chỉ đạo và tạo mọi nguồn lực từ chính các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cáo tổ chức chính trị-xã hội để đạt mục tiêu: duy trì mức giảm sinh hàng năm và đạt mức sinh thay thế bền vững tiến tới ổn định quy mô dân số, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên và duy trì ổn định, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số…góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác