04/04/2025 03:42
Thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh sinh trưởng và phát triển, làm cho các thức ăn dễ bị hư, nhiễm khuẩn khiến trẻ dễ mắc tiêu chảy. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do đó, phụ huynh cần chăm sóc, xử lý đúng cách khi trẻ gặp phải tình trạng này.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh - Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, Khoa liên tục tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp trẻ bị tiêu chảy. Hầu hết trẻ nhập viện với các triệu chứng nôn ói nhiều, đau bụng, đi cầu lỏng, sốt cao, ăn uống không được, nhiều trẻ nặng thì mất nước nặng, hạ đường huyết.
Đơn cử là trường hợp bé V.Đ.T (8 tháng tuổi, trú tại xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) phải nhập viện điều trị tại Khoa Nhi Tổng hợp do bé bị ói nhiều và đi cầu phân lỏng. Qua thăm khám, bé được chẩn đoán bị tiêu chảy kèm viêm phổi. Sau 3 tuần điều trị, tình trạng bé đã ổn hơn, các triệu chứng nôn ói, đi cầu giảm nhiều. Chị Sòng Thị Xóa – mẹ bé V.Đ.T chia sẻ: Khi ở nhà bé bú mẹ bình thường. Nhưng rồi bé có biểu hiện sốt, ói liên tục rồi đi cầu trên 10 lần/ngày, tôi liền đưa bé lên bệnh viện khám thì các bác sĩ thông báo bé phải nhập viện vì tiêu chảy nặng. Do vừa bị tiêu chảy và viêm phổi nên quá trình điều trị của bé khá dài ngày, bé thường xuyên quấy khóc, bỏ ăn, bỏ uống khiến tôi rất lo lắng. Tôi không nghĩ bệnh tiêu chảy lại nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như thế.
.jpg)
|
Nhập viện vì bị tiêu chảy nặng sau 3 tuần điều trị, bé V.Đ.T đã hồi phục sức khỏe. (ảnh: Quang Nhật)
|
Trường hợp khác là bé P.N.N.V (15 tháng tuổi, trú tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ở nhà bé có biểu hiện sốt, sổ mũi, lừ đừ, đi cầu phân lỏng nên được gia đình cho đi khám. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột. “Sau khi nhập viện, các bác sĩ tiến hành truyền dịch và uống thuốc điều trị. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của con tôi đã đỡ hơn nhiều. Trước khi nhập viện bé đi cầu 7 đến 8 lần/ngày, ăn vào là nôn khiến bé kiệt sức nên gia đình tôi ai cũng lo lắng. Rất may do được điều trị kịp thời nên sức khỏe của con tôi đã cải thiện”, chị N.T.T.H – mẹ bé P.N.N.V nói.
.jpg)
|
Khi con bị tiêu chảy, phụ huynh được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng cách. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Mặc dù tưởng chừng như không nguy hiểm, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay đang bước vào mùa hè, nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi, thiu gây bệnh cho trẻ. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng chăm sóc trẻ khi bị tiêu chảy và phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết, khi trẻ mắc tiêu chảy, thực tế vẫn còn có nhiều trẻ do cha mẹ theo dõi ở nhà chưa kỹ, bé ăn uống kém, bé ói liên tục, dẫn đến mất nước nặng, hạ đường huyết, co giật nên khi nhập viện ở tình trạng nặng, gặp các biến chứng hoặc mất nước nhiều, nhiễm trùng bội nhiễm… phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ. Do đó, bác sĩ Minh lưu ý, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh phải chăm sóc trẻ đúng cách bởi vấn đề chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy rất quan trọng, không chỉ giúp trẻ nhanh hết bệnh mà không lây cho những trẻ khác. Cụ thể, phụ huynh không nên kiêng khem quá mức khi trẻ mắc bệnh. Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng theo lứa tuổi khi trẻ bị tiêu chảy, giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe và đường ruột. Không phải cứ cho trẻ ăn cháo trắng thì trẻ sẽ hết tiêu chảy, việc cho trẻ ăn cháo trắng có thể khiến trẻ mất dinh dưỡng và làm trẻ bị rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng sau tiêu chảy. Đồng thời lưu ý cho trẻ uống nhiều nước, uống dung dịch bù nước điện giải Oresol… Số lượng nước trẻ đưa vào phải gần tương đương với số lượng nước trẻ bị mất đi do ói hoặc tiêu chảy. Tốt nhất, khi thấy trẻ có các biểu hiện tiêu chảy, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, phân loại và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh.
Cũng theo bác sĩ Minh, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm phòng các loại vắc xin như Rota vi rút, tả… để phòng bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn uống, sinh hoạt trong một môi trường sạch, ăn chín, uống sôi, vệ sinh sát khuẩn các vật dụng, đồ chơi. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách.
Có thể thấy, tiêu chảy ở trẻ em là một bệnh lý không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị an toàn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để điều trị tiêu chảy ở trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác