15/08/2024 03:49
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, những tuần gần đây trên địa bàn tỉnh số trường hợp mắc sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Ngoài các yếu tố của thời tiết, thì một nguyên nhân quan trọng khiến số người mắc SXH ở các địa phương trong tỉnh tăng nhanh chính là sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh của người dân.
Tính đến ngày 13/8 toàn thành phố Buôn Ma Thuột đã ghi nhận 422 trường hợp mắc SXH với 19 ổ dịch. Đây là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất của tỉnh Đắk Lắk tính đến thời điểm hiện tại. Theo đánh giá của ngành y tế thành phố Buôn Ma Thuột, đến nay, số ca SXH tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xã Tân Hòa, phường Tân Lập và phường Tân Thành có số ca mắc cao nhất.
|
Ngành y tế Đắk Lắk triển khai các đợt phun hóa chất chủ động diệt muỗi để xử lý tất cả các ổ dịch SXH trong cộng đồng. (Ảnh: Đình Thi)
|
Trước những diễn biến phức tạp của dịch SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra tình hình thực tế ở các ổ dịch để kịp thời điều tra, khoanh vùng, dập dịch và hướng dẫn người dân phòng bệnh. Qua điều tra, giám sát véc tơ phòng dịch tại đây cho thấy, người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường. Đáng nói, nhiều hộ gia đình vẫn còn có thói quen sử dụng các chum, vại để đựng nước, tạo môi trường cho loăng quăng, bọ gậy sinh sôi, gây ra muỗi truyền bệnh SXH.
Kiểm tra tại hộ gia đình nhà ông Đ.V.A trú tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột đoàn kiểm tra phát hiện những chiếc chum, vại chứa đầy nước mưa trong đó có nhiều lăng quăng đang sống, thế nhưng gia chủ không hề hay biết…Khi được hỏi, chủ nhà thanh minh do bận việc nên chưa dọn dẹp được.
Theo bác sĩ CK I Đặng Ngọc Sơn, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột, hiện nay công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan lơ là, xem thường dịch bệnh và mặc nhiên cho rằng chống dịch là trách nhiệm của ngành y tế.
“Trong quá trình kiểm tra thực tế ở địa phương, ngành y tế thành phố xác nhận phần lớn ý thức phòng bệnh SXH của người dân chưa được nâng cao; trong vườn các vật dụng sinh hoạt hư hỏng chứa đầy nước tù đọng và bên trong là những ổ lăng quăng/bọ gậy đang sinh sống. Có gia đình để chum nước sinh hoạt, nhưng không có nắp đậy nên cũng trở thành nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng sống”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 13/8, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.300 ca mắc SXH. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột có số ca mắc cao nhất với 422 trường hợp; huyện Cư Mgar 270, huyện Krông Pắk 137 ca, huyện Ea Kar 77 ca…
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát, phòng chống dịch SXH và một số bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế cơ sở. (Ảnh: Đình Thi)
|
Để chủ động ngăn ngừa từ xa và hạn chế dịch bệnh SXH bùng phát, trong thời gian qua, ngành Y tế Đắk Lắk đã triển khai các đợt phun hóa chất chủ động diệt muỗi để xử lý tất cả các ổ dịch. Đồng thời; phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống bệnh SXH và một số bễnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh do yếu tố thời tiết, một nguyên nhân quan trọng khiến số người mắc SXH ở các địa phương trong tỉnh tăng nhanh chính là sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh của người dân.
Theo nhận định của Ngành y tế Đắk Lắk, dịch SXH đang có nhiều diễn biến khó lường, gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. Đặc biệt, thời điểm này Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng thời tiết nắng mưa đan xen sẽ là môi trường thuận lợi để muỗi phát triển. Do vậy, dự báo số ca mắc SXH sẽ có xu hướng tiếp tục gia tăng. Vì vậy người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng, chống dịch; tiến hành diệt lăng quăng bọ gậy, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước xung quanh nhà; đồng thời, ngăn không cho muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay…
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tác nhân gây bệnh SXH, hầu như ai cũng biết là do muỗi truyền virus sang người. Do đó, biện pháp phòng chống muỗi sinh sản là phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để nước tồn đọng trong các vật dụng trong nhà để làm nơi sinh sản của muỗi…Tuy nhiên, ý thức chủ động phòng chống SXH thì lại có rất ít người thực hiện được.
“SXH là bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc trị. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, không để SXH lây lan thành dịch trong cộng đồng hơn ai hết mỗi công dân nên nêu cao ý thức tự giác phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là chủ quan trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay. Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và nơi sinh sống với phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” nhằm tiêu diệt tác nhân gây bệnh”, bác sĩ Long chia sẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Khi bị SXH… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác