12/06/2018 12:00
Không quản ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông báo có trường hợp nguy kịch cần máu là các thành viên của Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo của trường ĐH Tây Nguyên lại lên đường “cứu người”.
Các thành viên trong CLB tham gia chương trình Hiến máu nhân đạo
Máu nóng di động
Được thành lập vào tháng 3/2010 với 40 thành viên, đến nay Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo của trường ĐH Tây Nguyên đã có trên 500 thành viên tham gia làm ngân hàng máu sống, luôn sẵn sàng cho công tác hiến máu và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện mang đầy ý nghĩa.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Công Minh – Tổng phụ trách CLB Hiến máu nhân đạo cho biết: Bản thân anh tham gia vào CLB vào năm 2012 và đã có kinh nghiệm hơn 10 lần hiến máu. Trước đây, CLB được thành lập bởi thầy giáo Nguyễn Tiến Chương khi thầy còn công tác ở trường, các sinh viên tham gia vào CLB sẽ tham gia vào các đợt hiến máu do trường tổ chức. Đến năm 2013, anh Minh cùng một sinh viên khoa Y Dược của trường ĐH Tây Nguyên đã lên ý tưởng về việc sẽ tham gia hiến máu trực tiếp cho các bệnh nhân cần máu khẩn cấp nên đã thành lập nên “Ngân hàng máu sống” để hỗ trợ tối đa trong công tác hiến máu.
“Mỗi năm các thành viên của câu lạc bộ sẽ tham gia 3 đợt hiến máu chính của trường và các đợt hiến máu do các cơ quan Trung ương tổ chức như “Chủ Nhật đỏ”, “Hành trình đỏ”...Trung bình trong tháng cao điểm, mỗi ngày CLB hiến từ 3-4 đơn vị máu, nếu ngày nào bệnh viện không cần hiến máu thì các bạn trong CLB vẫn lên bệnh viện để hiến tiểu cầu”, anh Minh chia sẻ.
Do việc hiến máu trực tiếp thời gian không cố định, các bệnh nhân cần máu gấp thường là người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, xuất huyết tiêu hóa, các sản phụ băng huyết… nên việc các thành viên phải đi hiến máu đêm khuya là việc thường xuyên diễn ra. “Có lần hơn 23h tôi nhận được điện thoại của bệnh viện cần máu gấp cho bệnh nhân cấp cứu mà giờ đó hầu như các thành viên trong CLB đã ngủ hết. Sau khi đăng bài lên trang của CLB, có nhiều bạn nam đăng ký hiến máu nhưng các bạn này lại vừa uống bia trong tiệc sinh nhật. Đến gần 0h thì có 1 bạn nữ gọi đăng ký hiến máu, thế là mặc kệ đêm khuya, hai anh em cứ thế tất bật chạy vào bệnh viện để hiến máu cho kịp. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục và hiến máu xong cũng đã 3h sáng, hai anh em đành mua bánh mì ăn tạm”, anh Minh nhớ lại.
Sau nhiều năm hoạt động, CLB đã trở thành địa chỉ máu nóng di động miễn phí, tin cậy, đem lại hi vọng, niềm vui và hạnh phúc cho rất nhiều bệnh nhân. Bạn Nguyễn Đăng Chinh, thành viên trong CLB cho biết, các tình nguyện viên luôn trong tâm thế sẵn sàng bất kể đêm khuya hay ngày lễ. Chỉ cần bệnh viện, người nhà bệnh nhân gọi điện là mọi người có mặt. "Nhìn ánh mắt đầy hy vọng của họ, mình như có thêm động lực, nhiệt huyết rồi tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn. Có khi, họ ôm chầm lấy mình vì xúc động. Mình cảm thấy hạnh phúc lắm”, Chinh kể.
“Không chỉ có các bạn ở Đắk Lắk mới tham gia CLB mà ngay cả các bạn ở Gia Lai cũng sẵn sàng tham gia hiến máu bất cứ lúc nào, bởi bạn ấy mang nhóm máu O RH – là nhóm máu cực kỳ hiếm. Và còn hàng trăm tấm lòng của các thành viên sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người mà không cần bất cứ một sự trả công hay đền đáp nào”, anh Minh nhấn mạnh.
Thắm đượm tình yêu thương
CLB Hiến máu nhân đạo của trường ĐH Tây Nguyên sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần, và ngoài việc tham gia hiến máu nhân đạo, CLB còn tổ chức thêm nhiều hoạt đồng thiện nguyện đầy ý nghĩa như: Tổ chức quyên góp, trao hơn 70 suất quà, tặng xe lăn để giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ đặc biệt khó khăn ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk); góp tiền xây trường mầm non vùng sâu vùng xa, giúp đỡ các gia đình neo đơn, các sinh viên nghèo. Trong đợt mưa lũ vừa qua, CLB cùng tham gia cứu hộ, hỗ trợ hơn 120 suất lương thực cho bà con. Ngoài ra các bạn trong CLB còn phối hợp với các nhóm bác sĩ tổ chức các chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa…
Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk có trường hợp em Nguyễn Quốc Vương bị điện giật bỏng 80% diện tích da và có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, sau khi nắm thông tin, CLB đã tổ chức quyên góp được số tiền gần 60 triệu đồng để góp phần giúp đỡ em Vương điều trị.
Em Phan Thanh Trọng – Sinh viên năm hai Khoa Y Dược (ĐH Tây Nguyên) cho biết, sau khi biết được hoạt động tình nguyện hiến máu của trường đã nhanh chóng xin tham gia để hiến máu. “Giá trị của từng giọt máu không thể đong đếm bằng tiền mà đó chính là sinh mạng của bao người, do đó, cứ có người cần máu hoặc có những trường hợp nào khó khăn là em và mọi người đều gắng hết sức để giúp đỡ”, em Trọng chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Kim Hồng – Trưởng Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Việc hiến máu tình nguyện cứu được bệnh nhân của CLB Hiến máu tình nguyện của trường ĐH Tây Nguyên mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nhiều khi bệnh viện cần máu khẩn cấp trong trường hợp: khan hiếm không có máu, bệnh viện cần truyền chế phẩm đặc biệt là tiểu cầu và cần máu hiếm RH- thì các em nhanh chóng kịp thời có mặt ở bệnh viện để hỗ trợ hiến máu, điều này góp phần rất lớn trong quá trình cứu chữa bệnh nhân”.
Bác sĩ Hồng cũng chia sẻ, vừa qua có trường hợp một sản phụ bị băng huyết nhập viện trong tình trạng nguy kịch cần truyền 11 đơn vị máu và 3 đơn vị huyết tương khẩn cấp. Ngay sau đó, CLB đã cử các thành viên đến để hiến máu trực tiếp và cứu sống được bệnh nhân này trong niềm vui khôn xiết của các y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân.
Được biết, CLB Hiến máu nhân đạo - Ngân hàng máu sống của trường ĐH Tây Nguyên đã thành lập một diễn đàn trên mạng xã hội facebook với sự tham gia của trên 3.000 thành viên. Nơi đây, ban chủ nhiệm CLB sẽ chia sẻ những thông tin về việc hiến máu, hiến tiểu cầu cùng những tin tức liên quan đến hoạt động từ thiện của CLB để mọi thành viên được biết và tham gia nhằm đưa CBL ngày càng phát triển hoạt động phát huy được hết những thế mạnh.
Bài, ảnh: Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác