Đó là con đường cách mạng đúng đắn và triệt để nhất, nhưng cũng là quá trình khó khăn, gian khổ, phức tạp và lâu dài. Đây là “cuộc chiến đấu khổng lồ”; “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Trong đó có phụ nữ là sức mạnh của cả một nửa dân tộc, bởi vì ngay từ những năm 1920, trong khi tuyên truyền giác ngộ toàn dân đứng dậy làm cách mạng, đánh đổ thực dân đế quốc và phong kiến tay sai giành lại nền độc lập cho dân tộc, Bác Hồ đã khẳng định “cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”, “đàn bà trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều”. Và Người kêu gọi “Chị em cả trẻ đến già - Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh”. Với hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của dân tộc ta đã chứng minh vai trò to lớn của phụ nữ trên nhiều bình diện - trong lịch sử , trong đời sống xã hội và gia đình, trong phát triển văn hóa...
Đặc biệt từ khi Đảng ta ra đời, vai trò của phụ nữ có bước phát triển vượt bậc cả về nhận thức của xã hội và đóng góp to lớn của chị em trong tiến trình cách mạng. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay từ đầu Đảng đã đánh giá đúng vai trò, vị trí và khả năng cách mạng của phụ nữ: “Lực lượng phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được”. Những nhận thức về vai trò to lớn, có ý nghĩa quyết định thành bại đối với cách mạng của phụ nữ từ Bác Hồ, Đảng ta đã được tuyên truyền sâu rộng trong các lực lượng cách mạng, thành nhận thức chung của xã hội, là bước phát triển vượt bậc trong tư duy về cách mạng ở nước ta với vai trò của phụ nữ.
Được nhận thức mới khích lệ, lại được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, phụ nữ nước ta suốt từ giữa những năm 1920 tới nay đã thể hiện vai trò không thể thiếu được của mình và ngày càng đóng góp to lớn vào tiến trình cách mạng của dân tộc: Ngay từ năm 1927 - 1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, phụ nữ trên cả nước đã tham gia “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng, tiêu biểu như các chị Hoàng Thị ái, Nguyễn Thị Minh Lãng, Thái Thị Bôi, Nguyễn Thị Nhỏ... Và đã tham gia hoạt động trong Đảng Tân Việt, như chị Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân.
Cuộc bãi công đầu tiên mở đầu cao trào cách mạng 1930 - 1931 của 3.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, đúng ngày Đảng ta ra đời (3/2/1930) đã có 300 phụ nữ tham gia. Cuộc biểu tình thị uy đầu tiên diễn ra ban ngày ở Mỹ Tho ngày 1/5/1930 có hàng nghìn phụ nữ tham gia dưới sự lãnh đạo của chị Nguyễn Thị Thập. Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của phụ nữ. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng trên thế giới, phải chủ động giành thắng lợi và để tăng thêm sức mạnh phải liên lạc với các tổ chức cách mạng thế giới.
Ngay năm 1935, tại Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ VII ở Matxcơva, một đại biểu của Đảng ta - nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nối cách mạng nước ta với cách mạng trên thế giới bằng tham luận nói rõ vai trò của phụ nữ Đông Dương nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và đấu tranh cho hòa bình. Đồng chí khẳng định với các Đảng Cộng sản trên thế giới: “Chúng tôi sẽ gắng sức để làm cho phụ nữ lao động Đông Dương thực sự là chiến sĩ bảo vệ hòa bình”.
Trong quá trình đấu tranh tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân, nhiều hình thức tập hợp phụ nữ như phụ nữ dân chủ, phụ nữ phản đế, phụ nữ giải phóng được thành lập đã tập hợp đông đảo chị em và là những tổ chức thể hiện sinh động vai trò to lớn của phụ nữ, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) lại xuất hiện nhiều nữ chỉ huy xuất sắc như chị Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Thử... Và tấm gương sáng chói mãi trong lịch sử cách mạng Việt Nam là tấm gương của người Xứ ủy viên Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Nguyễn Thị Minh Khai. Trong khởi nghĩa Nam Kỳ, chị bị địch bắt, hai lần địch kết án tử hình, hai án chung thân không làm chị nao núng, chị vẫn bình tĩnh, hiên ngang trước quân thù.
Nếu ở phía Bắc có chị Hà Thị Quế lãnh đạo cướp chính quyền ở Bắc Giang, chị Trương Thị Mỹ lãnh đạo cướp chính quyền ở Hoài Đức - Hà Đông thì ở miền Nam ta thấy chị Nguyễn Thị Định dẫn đầu đội quân tóc dài cướp chính quyền ở thị xã Bến Tre, chị Phan Thị Nể: Phó ban khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An... Có chính quyền, chị em tích cực tham gia củng cố chính quyền. 48% tổng số cử tri đi bầu Quốc hội đầu tiên (6/1/1946) là phụ nữ, và 10 đại biểu nữ đã trúng cử vào Quốc hội khóa I. Ngay sau cách mạng, 2 triệu chị em đã thanh toán được nạn mù chữ; các chị động viên chồng con tòng quân giết giặc, bản thân chị em cũng tòng quân, tham gia du kích, nuôi quân, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ.
Khi dân tộc ta đi vào kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ nước ta là lực lượng to lớn thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tích cực hướng ứng “Tuần lễ vàng”, đồng thời vừa hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây “đời sống mới”. Nhiều phong trào phụ nữ đã dấy lên với khẩu hiệu phụ nữ lập công cùng toàn dân chống quân xâm lược, điển hình có phong trào nữ du kích Hoàng Ngân ở Hưng Yên làm nức lòng toàn dân và là nỗi kinh hoàng đối với quân địch… và đã xuất hiện nhiều gương nữ anh hùng và những tấm gương tiêu biểu như Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Lét, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình... Mười cô gái của tiểu đội nữ anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc...
Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên cuộc đấu tranh cho nam nữ bình quyền và giải phóng phụ nữ được thực hiện triệt để tạo điều kiện để phụ nữ nước ta phát huy vai trò to lớn không chỉ trong cách mạng, trong kháng chiến và cả trong xây dựng đất nước. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trên bình diện cả nước và đổi mới hiện nay chứng minh vai trò to lớn, thông minh, sáng tạo của phụ nữ nước ta. Phụ nữ tham gia các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ngày càng nhiều ở tất cả các cấp. Quốc hội nước ta là nước đứng đầu châu á về số lượng đại biểu nữ tham gia, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân vinh dự là Chủ tịch Quốc hội nước ta khóa XIV.
Việt nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ trong bình đẳng giới như tỉ lệ đi học của trẻ em gái và tỉ lệ của lao động nữ trong lực lượng lao động rất cao.Ở bất kỳ vị trí nào, phụ nữ đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, có khả năng thuyết phục. Phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với danh hiệu: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, và là một lực lượng đông đảo đi đầu phấn đấu cho mục tiêu hiện nay của cách mạng nước ta là xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta có một tin vui là phụ nữ Việt nam tới nay, ngày càng nắm nhiều vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp, tỉ lệ nữ trong hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam là 30% trong khi tỉ lệ trung bình toàn cầu là 19%. Tỉ lệ đảng viên nữ trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tăng lên và giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, điển hình là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khóa XIV. Số Ủy viên Bộ Chính trị ban Chấp hành Đảng Cộng Sản Việt Nam tăng lên 3 người, với 20 nữ ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. Đây là những số liệu khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.
Bài: Hoàng Đức
Ảnh: Bảo Châu