08/08/2018 12:00
Thông thường, sau một ca phẫu thuật thì bệnh nhân và người nhà của họ chỉ chú ý đến các bác sỹ phẫu thuật, đặc biệt là bác sỹ mổ chính, còn bác sỹ gây mê thì hầu như ít ai quan tâm. Thế nhưng, để ca phẫu thuật thành công, những bác sỹ gây mê đóng vai trò vô cùng quan trọng, họ thường được ví như những người “nâng khăn, sửa túi” cho các bác sỹ phẫu thuật, có nhiệm vụ “thức để canh cho bệnh nhân ngủ” và cũng là những người có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân. Thế nhưng, những cống hiến thầm lặng của họ lại ít người biết đến.
Bác sỹ Khoa phẫu thuật- gây mê hồi sức tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật
Những người đi trước…..
Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kip gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ, đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân, sau đó mới đến phiên bác sỹ phẫu thuật. Bác sỹ chuyên khoa I Đặng Thế Thành- Khoa phẫu thuật- gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay: “Có thể nói ngắn gọn rằng, gây mê phương pháp nhằm mục đích làm mất ý thức tạm thời bằng các thuốc mê tác động trên hệ thần kinh trung ương. Đây là phương pháp điều trị đặc biệt, làm cho bệnh nhân đi vào giấc ngủ mà không hề biết những đau đớn trong khi phẫu thuật cũng như giữ cho cơ thể bệnh nhân không có các phản ứng thần kinh trong quá trình phẫu thuật”.
Nhiều người nghĩ gây mê hồi sức đơn giản chỉ là làm cho bệnh nhân ngủ sâu và không đau, nhưng thực tế thì khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều, bởi các loại thuốc gây mê đều là thuốc gây độc và người sử dụng khống chế liều lượng không cho các thuốc đó gây nguy hiểm cho người bệnh chính là bác sỹ gây mê hồi sức. Trong quá trình tiêm thuốc gây mê, các phản xạ bảo vệ cơ thể gần như mất hết, lúc đó các bệnh lý cơ hội có khả năng thể hiện, vì vậy các bác sỹ gây mê phải luôn theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh, điều chỉnh các thông số sao cho phù hợp để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi và đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.
Thực hiện những kỹ thuật vô cảm để hỗ trợ quá trình phẫu thuật, giúp kiểm soát sự đau đớn cho bệnh nhân trong các tình huống nhất định, đồng thời điều chỉnh những rối loạn, những diễn biến xấu xảy ra trong ca phẫu thuật, đòi hỏi mỗi y, bác sỹ gây mê hồi sức phải luôn hết sức khẩn trương, cẩn trọng, tỉ mỉ, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Bởi có những phẫu thuật với những ca đại phẫu về tim mạch, hô hấp hay thần kinh cần phải cho bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở. Lúc này, các bác sỹ gây mê hồi sức phải sử dụng phương tiện máy móc để thay thế các chức năng của tim, phổi, và các cơ quan đảm bảo sự sinh tồn khác…, điều chỉnh các thông số sao cho phù hợp với bệnh nhân. Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật, nếu có tai biến, biến chứng xảy ra, chẳng hạn như: bệnh nhân có dấu hiệu suy gan, suy thận, các dấu hiệu tổn thương não, sốc nhiễm trùng, sốc tim…thì các bác sỹ gây mê luôn phải ở tuyến đầu để xử trí, điều trị các loại sốc để cuộc phẫu thuật được diễn ra an toàn, thuận lợi. Vì thời điểm này, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây mất an toàn cho người bệnh. “Vậy đấy, lúc nào chúng tôi cũng phải căng lên như dây đàn, luôn phải sẵn sàng, phối hợp tốt, ăn ý với nhau thì mới xử lý tốt các tình huống xảy ra”. Bác sỹ Thành chia sẻ thêm.
Có thể nói, gây mê hồi sức là một công việc không hề đơn giản, so với các bác sĩ khác thì bác sỹ gây mê là người tiếp cận giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật cao nhất. Nếu gây mê không đúng chỉ định thì không thể sửa, thậm chí dẫn đến tử vong cho bệnh nhân. Vì vậy, để ca mổ an toàn, bác sỹ gây mê phải có sự nhạy cảm cùng sự trải nghiệm nghề nghiệp. Họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm tốt công việc khi có yêu cầu.
…….về sau
Sau phẫu thuật, ê kip phẫu thuật có thể thay trang phục và nghỉ ngơi nhưng ê kip gây mê hồi sức vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình là hồi sức cho bệnh nhân. Đây là giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, cơ thể đang ở trạng thái hồi phục, tác dụng tiềm ẩn của các thuốc gây mê vẫn còn. Vì vậy, lúc này, các bác sỹ gây mê phải liên tục túc trực bên bệnh nhân, dùng nhiều biện pháp hồi sức khác nhau để giúp bệnh nhân thoát mê, có thể từ từ tự thở tự nhiên mà không phụ thuộc vào máy thở. “Có những bệnh nhân 1 đến 2 tiếng có thể trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường nhưng cũng có những bệnh nhân sau mổ nằm đến 4, 5 ngày mới tỉnh, do vậy các bác sỹ vẫn tiếp tục theo dõi, hồi sức đến khi nào bệnh nhân ổn định, chuyển xuống các khoa khác lúc đó bác sỹ gây mê hồi sức mới xong nhiệm vụ của mình”. Bác sỹ Thành cho hay.
Mặc dù làm việc trong môi trường luôn căng thẳng và áp lực như thế, song khi được hỏi về những cảm nghĩ trong nghề, bác sĩ Thành thổ lộ rằng: “Nghề nào cũng có cái hay và cái khó nhưng khi mình đã chọn thì thì dù thế nào cũng phải yêu và hăng say với nó thì mới vẹn được trách nhiệm và nghĩa tình với người bệnh. Với chúng tôi, niềm vui lớn nhất chính là chứng kiến những bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện trở về với cuộc sống bình thường mà không có biến chứng nào”.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Bùi Ngọc Đức- Trưởng Khoa phẫu thuật- gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: “Hiện tại, Khoa phẫu thuật- gây mê hồi sức có 81 nhân viên, trong đó có 11 bác sỹ; 69 điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên gây mê và 10 cán bộ làm các công việc hành chính. Trung bình một ngày, Khoa tiếp nhận từ 70 đến 80 bệnh nhân phẫu thuật (phẫu thuật trong chương trình và phẫu thuật cấp cứu), so với khối lượng công việc thì hiện khoa còn thiếu khoảng 30 cán bộ. Song, những năm qua với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao, Khoa luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, triển khai nhiều kỹ thuật, phương pháp điều trị mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn”.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Đình Thi (T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác