01/08/2018 12:00
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng bệnh. Nhiều năm qua, công tác tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Tân An (Tp. BMT) đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần đáng kể trong việc hạn chế tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ nhỏ.
Trẻ được tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Tân An (Tp. Buôn Ma Thuột)
Có mặt tại Trạm Y tế phường Tân An (Tp. BMT) trong một buổi tiêm chủng mở rộng cho trẻ, chúng tôi ghi nhận tinh thần và thái độ tận tụy của các y, bác sỹ cũng như sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an toàn trong các khâu tiêm chủng, như: cấp số theo thứ tự, tiếp nhận, tư vấn, khám phân loại chỉ định tiêm, chỉ định loại vắc xin và tiêm phòng cho trẻ. Là một trong nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng tại Trạm Y tế phường Tân An, chị Trần Thị Ngọc, tổ dân phố 3, cho biết: “Tôi biết lịch tiêm của trạm vì thường được nghe thông báo trên loa phát thanh của phường và hướng dẫn nhân viên y tế của tổ dân phố. Mỗi lần đến trạm tiêm, bé nhà tôi được bác sỹ thăm khám kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe rồi mới có chỉ định tiêm. Bản thân tôi thấy việc tiêm phòng ở trạm thực hiện tốt nên mỗi lần đi tiêm tôi rất yên tâm”. Tương tự, chị Hoàng Thị Tố Quyên, tổ dân phố 1, phường Tân An (Tp. BMT) cũng đưa con hơn 8 tháng tuổi đến Trạm Y tế phường Tân An để tiêm chủng. Qua thông tin tuyên truyền, chị Quyên đã hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho con nên các mũi tiêm nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng chị đều đưa con đi tiêm đầy đủ, đúng thời gian quy định. Chị Quyên chia sẻ: “Tôi rất yên tâm khi đưa con đến trạm y tế phường để tiêm phòng bởi tôi thấy đội ngũ nhân viên y tế ở đây làm việc rất khoa học, tận tình và chu đáo”.
Thời gian qua, để đạt kết quả cao trong công tác tiêm chủng mở rộng, hằng năm, Trạm Y tế phường Tân An đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động từ thông tin, tuyên truyền, vận động đến rà soát, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Vào các buổi giao ban tại trạm y tế, công tác tiêm chủng luôn được đưa ra thảo luận đầu tiên. Theo đó, đội ngũ nhân viên y tế của 12 tổ dân phố được lãnh đạo trạm phân công rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng tại các hộ gia đình, lập danh sách cụ thể những trẻ cần được tiêm phòng các loại vắc xin trong tuần, trong tháng để dự trù vắc xin và sau đó mời các đối tượng ra tiêm chủng hàng tuần tại trạm. Theo bác sỹ Lê Thị Xuân Hạnh- Trưởng Trạm Y tế phường Tân An: “Với cách làm này nhằm tránh được tình trạng bỏ sót đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng”.
Công tác tiêm chủng an toàn tại trạm y tế phường được thực hiện theo quy trình một chiều. Khi đưa trẻ đến trạm y tế tiêm chủng, các bà mẹ nộp sổ sức khỏe của trẻ hoặc phiếu theo dõi tiêm chủng tại khâu tiếp nhận bệnh nhân, bộ phận đón tiếp bệnh nhân sẽ đo nhiệt độ, cân đo sức khỏe cho trẻ và đưa trẻ vào phòng khám sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn vào phòng tiêm chủng. Sau tiêm, trẻ được chuyển qua khu vực theo dõi khoảng 30 phút, nếu trẻ không có phản ứng sau tiêm mới được cho về.
Cùng với việc tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân thì trạm cũng luôn chú trọng đến việc củng cố, nâng cao kiến thức về an toàn tiêm chủng cho đội ngũ cán bộ y tế. Hàng năm, cán bộ y tế của trạm luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng về quy trình chỉ định, tư vấn trước tiêm chủng, khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm…Ngoài ra, để việc tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả cao, trạm bố trí tiêm chủng 1 tháng 4 lần vào thứ 6 hàng tuần, mỗi buổi quy định tiêm cho 50 trẻ. Từ đó, tạo thành tiền lệ, cứ vào thứ 6 hàng tuần, bất chấp thời tiết thế nào, các bậc cha mẹ vẫn đưa trẻ đến trạm y tế để tiêm ngừa vắc xin theo đúng lịch. Việc bố trí thời gian, số lượng trẻ đến tiêm một cách hợp lý đã làm giảm áp lực cho cán bộ y tế trực tiếp làm công tác tiêm chủng. Đồng thời các khâu trong quy trình an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế cũng được thực hiện nghiêm ngặt hơn, tình trạng trẻ bị phản ứng sau tiêm hầu như không xảy ra tại trạm.
Bác sỹ Lê Thị Xuân Hạnh- Trưởng Trạm Y tế phường Tân An (Tp. BMT) cho biết thêm: “Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ khi tiêm chủng, mỗi trẻ khi được đưa đến trạm đều được khám kỹ lưỡng, như: nghe tim, phổi, kiểm tra xem trẻ có bị dị ứng, phát ban, mẩn đỏ ngoài da hay không. Nếu trẻ bị sốt trên 37,5 độ C hay đang dùng thuốc kháng sinh, các thuốc nam dược khác thì có chỉ định hoãn tiêm cho trẻ. Vì vậy, nếu trẻ đang trong độ tuổi tiêm chủng, các bậc phụ huynh chú ý để đứa trẻ đi tiêm đúng thời gian quy định để việc tiêm ngừa đạt hiệu quả cao nhất”.
Có thể nói, nhờ làm tốt các khâu trong công tác tiêm chủng mở rộng nên nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ tiêm chủng trên địa bàn phường luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Mỗi năm, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm màng não mủ di Hib, viêm gan B luôn đạt 98%; 100% học sinh tiểu học được uống thuốc xổ giun; gần 98% trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A định kỳ; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được tiêm phòng uốn ván đủ liều; công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được thực hiện tốt, không có trường hợp phản ứng nặng do tiêm chủng.
Bác sỹ Hạnh cũng cho biết thêm: “Thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế khác, Trạm sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó, công tác truyền thông vẫn sẽ được ưu tiên hàng đầu”./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Quang Nhật (T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác