24/01/2019 12:00
Tết Nguyên Đán Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á. Nguyên nghĩa của chữ “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ đến
Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Tết là ngày đầu tiên trong năm mới. Theo tín ngưỡng của người Việt Nam Tết Nguyên Đán có ý nghĩa là sự đổi mới, thay đổi, tâm lý con người trông chờ một năm mới có nhiều sự thay đổi mới mẻ mang lại sự bình an, hạnh phúc, thuận lợi trong cuộc sống.
Nguồn gốc của Tết vẫn còn đang được bàn luận nhiều, nhưng hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm bắc thuộc. Nhưng theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn tết từ thời các vua Hùng, nghĩa là trước 1000 năm bắc thuộc.
Như vậy có thể nói Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam, từ thời cổ kim khi các Vua Hùng dựng nước. Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.
Tết Nguyên Đán biểu hiện sự giao thoa giữa trời đất và con người với thần linh. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết – do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm của tuổi thơ. Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người còn sống đối với tổ tiên, người thân đã khuất bằng mâm ngũ quả, mâm cỗ với nhiều món ăn ngon hay những món ăn mà người đã mất thích.
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò bè bạn… Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Chính vì vậy, những giây phút đầu năm mới rất thiêng liêng, người Việt Nam vào những ngày đầu năm còn kiêng kị không được nói lời xui xẻo, lúc nào cũng phải vui tươi, làm những điều tốt đẹp.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.
Bài, ảnh: Hồng Vân (sưu tầm)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác