05/07/2025 03:58
Ngày 23/6/2025, Bộ Y tế Campuchia chính thức xác nhận một trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Siem Reap. Bệnh nhân là một phụ nữ 41 tuổi, hiện đang trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sốt cao, ho liên tục và khó thở. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm H5N1, một chủng cúm có độc lực cao và khả năng gây tử vong lớn ở người; Theo điều tra dịch tễ ban đầu, tại khu vực bệnh nhân sinh sống có ghi nhận hiện tượng gà mắc bệnh và chết bất thường. Bệnh nhân từng tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh và chế biến thịt gà làm thực phẩm chỉ vài ngày trước khi phát bệnh; Đây là ca nhiễm thứ 7 trong năm 2025 tại Campuchia, trong đó đã có 5 người tử vong.
Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 11 ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) tại 07 tỉnh, thành phố, làm trên 29 nghìn con gia cầm mắc bệnh, bị chết và bị tiêu hủy. Để chủ động công tác phòng, chống cúm A (H5N1), hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế Đắk Lắk đã có công văn số 3019/SYT-NVYD ngày 2/7/2025 về việc chủ động công tác phòng, chống cúm A (H5N1), gửi các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai các nội dung:
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: chủ trì chỉ đạo các Trung tâm y tế phối hợp thực hiện:
- Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sẵn sàng tổ chức thu dung, cách ly, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

|
Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính nặng.
|
- Các cơ quan y tế tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin, xử lý triệt để ổ dịch và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cho người dân.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phòng lây truyền cúm gia cầm từ động vật sang người, đặc biệt tại các địa bàn có động vật, gia cầm ốm, chết và tại các khu vực có nguy cơ cao.
- Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện để hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của nhân viên y tế trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh:
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm và lấy mẫu kịp thời.
- Chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực… tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc cúm A (H5N1), hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong.
- Tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị cho tuyến dưới khi có yêu cầu./.
Tin: Minh Thu; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác