24/07/2025 08:24
Trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và tại khu vực Buôn Đôn nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc bệnh nhập viện điều trị tăng nhanh, trong đó không ít trường hợp diễn tiến nặng. Thời tiết mưa nhiều, cộng với điều kiện sinh hoạt và ý thức phòng bệnh còn hạn chế ở nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đang khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao.
Là địa phương nằm ở phía Tây tỉnh Đắk Lắk, với địa hình rừng núi xen lẫn các khu dân cư phân tán, các xã Ea Nuôl, Ea Wer và Buôn Đôn là địa bàn có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), tính đến ngày 21/7, trên địa bàn các xã Ea Nuôl, Ea Wer và Buôn Đôn ghi nhận 133 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 72 trường hợp so với cùng kỳ năm 2025. Ghi nhận 9 ổ dịch SXH tại 3/3 xã, tăng 7 ổ dịch so với cùng kỳ năm. Những khu vực trên địa bàn xã Ea Nuôl hiện đang là điểm nóng về SXH.
Nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế Buôn Đôn vì mắc SXH đã ở ngày thứ 6, anh V.Q.S (trú tại xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa hết lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình sau khi trải qua những ngày bị bệnh SXH. Anh V.Q.S, chia sẻ: Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường. Ở nhà tôi lấy thuốc uống nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 3, tôi đau đầu không chịu nổi kèm sốt cao liên tục, chảy máu chân răng, không ăn uống được, người mềm nhũn, mệt mỏi, đau nhức chỉ nằm li bì. Tôi tới bệnh viện khám thì các bác sĩ nói nếu nhập viện chậm thêm chút nữa có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đã nghe nhiều về bệnh SXH nhưng đến khi bản thân mắc bệnh và 6 ngày qua chiến đấu với căn bệnh này, tôi mới thấy bệnh SXH không đơn giản như mình nghĩ mà nó vô cùng nguy hiểm.
.jpg)
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại Trung tâm Y tế Buôn Đôn.
|
Tương tự như trường hợp của anh V.Q.S, hiện tại Trung tâm Y tế Buôn Đôn đang điều trị cho 33 bệnh nhân mắc SXH. Đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng gia tăng, bùng phát bệnh SXH trên địa bàn các xã thuộc khu vực Buôn Đôn. Lý giải về nguyên nhân dịch bệnh SXH gia tăng nhanh trên địa bàn, bác sĩ Hồ Thị Tuyết Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), cho biết: Do thời tiết diễn biến phức tạp, bệnh SXH thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11. Đây là thời điểm nhiệt độ, độ ẩm cao, tạo điều kiện lý tưởng để muỗi vằn – trung gian truyền bệnh – sinh sôi và phát triển mạnh. Bên cạnh đó, năm 2025 được xác định là năm chu kỳ của SXH, có nguy cơ bùng phát dịch cao. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lan, một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh tại các xã thuộc khu vực Buôn Đôn diễn biến phức tạp chính là sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch ngay từ hộ gia đình. Theo ghi nhận của ngành Y tế, nhiều hộ dân chưa thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, không thường xuyên loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng – nơi muỗi vằn đẻ trứng như lu, khạp, vỏ lon, lốp xe cũ…; chưa có thói quen sử dụng màn ngủ ban ngày, chưa chủ động phối hợp với nhân viên y tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Một bộ phận người dân còn có tâm lý ngại tiếp cận y tế, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, dẫn đến nhập viện muộn, tăng nguy cơ biến chứng nặng và khó kiểm soát lây lan trong cộng đồng.
.jpg)
|
Cán bộ y tế triển khai phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH tại nhà dân trên địa bàn xã Ea Wer.
|
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, vừa qua, Trung tâm Y tế Buôn Đôn đã có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh về việc xin hỗ trợ xử lý dịch SXH trên diện rộng bằng cách phun hóa chất chủ động trên địa bàn xã Ea Wer. Và trong 2 ngày 22, 23/7, CDC đã phối hợp với Trung tâm Y tế Buôn Đôn tiến hành phun hóa chất diệt muỗi cho khoảng 1.700 hộ dân tại 6 thôn thuộc xã Ea Wer. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh SXH, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống SXH nhằm nâng cao ý thức cho người dân trên địa bàn. Anh Lê Hồng Cơ (trú tại xã Ea Wer, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Những ngày gần đây tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn phức tạp khiến tôi rất lo ngại việc các thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh có thể mắc bệnh. Được cán bộ y tế triển khai phun thuốc cũng như hướng dẫn thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy… tôi cùng mọi người đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng tới và nhắc nhở các con ngủ mùng, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt.
Cũng theo bác sĩ Hồ Thị Tuyết Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), bên cạnh các hoạt động dự phòng, đối với hoạt động điều trị, Trung tâm cũng đã dự trù đầy đủ thuốc điều trị SXH như (giảm đau, hạ sốt, dịch truyền, dịch truyền máu và các thuốc điều trị khác theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời bố trí hơn 100 giường bệnh và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh SXH, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên cập nhật, tập huấn chuyên môn về điều trị, phòng, chống SXH cho các nhân viên y tế. “Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch SXH nhưng thực tế, Trung tâm đang gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là khó thay đổi ý thức, hành vi của người dân về hoạt động vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch như máy phun hóa chất ULV đã cũ, thường xuyên hỏng cũng gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Lan chia sẻ thêm.
Có thể thấy, để phòng chống dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, ngành Y tế Buôn Đôn đã có nhiều nỗ lực trong công tác điều trị cũng như dự phòng, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi đã được triển khai tại các “điểm nóng” như Ea Wer, Ea Nuôl, Buôn Đôn. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH đạt hiệu quả và bền vững, góp phần đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Bài: Mai Lê; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác