24/07/2025 09:07
Thời gian gần đây, tình trạng thiếu hụt nguồn máu đang trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị không chỉ đối với Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mà còn đối với các cơ sở y tế khác trong toàn tỉnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi ngày hàng chục đơn vị máu cần được sử dụng để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Tại các khoa như: Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc, Ngoại khoa... luôn có nhu cầu cao về máu để thực hiện các ca phẫu thuật, cấp cứu khẩn cấp. Tình trạng thiếu hụt máu đang diễn ra đã gây áp lực không nhỏ cho đội ngũ y bác sĩ. Theo bác sĩ Vũ Thị Ngà – Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Đắk Lắk thông tin, bình quân nhu cầu sử dụng máu phục vụ cấp cứu, điều trị trên địa bàn toàn tỉnh là trên 100 đơn vị máu và chế phẩm máu/ngày. Riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chiếm khoảng 80-100 đơn vị máu và chế phẩm máu/ngày. Tuy nhiên, thời điểm từ đầu tháng 7 trở lại đây thì Trung tâm Huyết học – Truyền máu chỉ tiếp nhận được từ khoảng 30 – 40 đơn vị máu/ngày. Tình trạng thiếu máu đang diễn ra rất trầm trọng do nguồn máu tiếp nhận được không đủ để phục vụ cấp cứu và điều trị. Trước tình trạng đó, ngoài những điểm tiếp nhận máu lưu động thì Trung tâm còn tổ chức tiếp nhận máu hàng ngày tại tầng 4 khu nhà B, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đồng thời phát thông điệp tuyên truyền kêu gọi người dân có đủ điều kiện sức khoẻ hãy tham gia hiến máu cứu người.
.jpg)
|
Cán bộ y tế tư vấn cho người dân trước khi hiến máu.
|
Lý giải về tình trạng thiếu hụt nguồn máu, bà Đặng Thị Hương, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, không riêng gì tỉnh Đắk Lắk, tình trạng thiếu hụt nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Tại tỉnh Đắk Lắk tình trạng thiếu hụt nguồn máu diễn ra bắt đầu từ tháng 7, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do việc sắp xếp đơn vị hành chính 02 cấp không còn cấp huyện. Đối với Hội chữ thập đỏ các cấp, chỉ có cấp huyện có cán bộ chuyên trách còn cấp xã là cán bộ bán chuyên trách nên khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính không còn cấp huyện thì cán bộ đầu mối phụ trách công tác này chưa được kiện toàn. Vì vậy, việc triển khai các chương trình vận động hiến máu tại cơ sở chưa triển khai thực hiện được theo kế hoạch dẫn đến thiếu hụt nguồn máu như hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi là Thường trực Ban vận động hiến máu tình nguyện đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để củng cố Ban chỉ đạo vận động hiến máu các cấp và đề nghị với chính quyền địa phương, mặt trận tổ quốc bố trí cán bộ làm công tác chữ thập đỏ sau khi sáp nhập để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo nói riêng và công tác từ thiện nhân đạo nói chung nhằm đảm bảo nguồn máu phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị.
Nhằm nỗ lực huy động, khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn máu hiến, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Huyết học và Truyền máu tổ chức các điểm hiến máu lưu động để vận động người dân tham gia hiến máu. Tại nhiều điểm hiến máu đã thu hút rất nhiều người dân tham gia. Như chị Tống Thị Tươi (trú tại phường Tân An, tỉnh Đắk Lắk) với 1 lần tình cờ lướt facebook thấy chị bạn chia sẻ bài viết kêu gọi người dân hiến máu nhân đạo nên đã tới Hội chữ thập đỏ tỉnh để hiến máu. Đây là lần đầu tiên chị tham gia hiến máu nhân đạo. Không giấu được niềm vui sau khi hiến máu xong, chị Tươi nói:“Bản thân tôi rất vui biết mình đã làm một điều có ích cho cộng đồng. Vui khi biết rằng đâu đó dòng máu của mình đã, đang và sẽ hoà chung trong một, thậm chí một vài người nào đó, giúp họ khi họ đang cần. Từ giờ, sức khoẻ bản thân đủ điều kiện tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu”. Hay như, anh Nguyễn Viết Cửu (phường Tân Lập, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng nhân ái, đồng thời cũng là trách nhiệm không phải của riêng ai. Hơn nữa khi bản thân hiến máu cũng có nghĩa đem lại cho người bệnh và người thân của họ một niềm hạnh phúc lớn lao”.
.jpg)
|
Chị Tống Thị Tươi (trú tại phường Tân An, tỉnh Đắk Lắk) tham gia hiến máu khi nhận được thông tin kêu gọi hiến máu trên facebook.
|
Việc khan hiếm nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị mang lại nhiều hệ luỵ đó là: bệnh nhân phải chờ máu để truyền, có thể làm chậm quá trình điều trị, đặc biệt với các ca cấp cứu khẩn cấp; một số trường hợp buộc phải trì hoãn phẫu thuật gây biến chứng nguy hiểm; bệnh viện phải chịu nhiều áp lực từ điều phối nguồn máu dự trữ… Máu là một “dược phẩm quý” mà cho đến nay chưa có chất thay thế hoàn toàn chức năng của nó, vì vậy nguồn máu để cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân vẫn từ nguồn người hiến máu. Người hiến máu khi tham gia hiến máu được tư vấn về sức khỏe, được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị bồi hoàn lại máu (trong trường hợp không may bản thân cần phải truyền máu) tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Người hiến máu tham gia hiến máu trở lại sau thời gian tối thiểu là 3 tháng. Máu sau khi được thu nhận từ các nguồn hiến máu, Trung tấm Huyết học – Truyền máu sẽ thử các xét nghiệm trên các túi máu về nhóm máu, các virus, vi trùng, ký sinh trùng lây qua đường truyền máu như viêm gan siêu vi B, C, HIV, Giang mai, Sốt rét, kháng thể bất thường, để loại các túi máu có mầm bệnh. Từ một túi máu toàn phần có thể tách ra thành nhiều loại sản phẩm máu khác nhau. Tùy từng nhu cầu của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị có những chỉ định sử dụng các sản phẩm máu đặc hiệu.
Thực tế cũng cho thấy là, “hạnh phúc được chia sẻ thì hạnh phúc nhân đôi”, “nỗi buồn được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa”, cho nên, mỗi một giọt máu được chia sẻ của mỗi người sẽ mang theo một thông điệp nhân văn, một nghĩa cử cao đẹp từ trái tim ta đến với trái tim mọi người, làm cho cuộc sống của mỗi người trong cộng đồng thêm ý nghĩa hơn./.
Bài: Võ Quỳnh; ảnh: Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp người nghiện hút thuốc cai được thuốc lá ( 24/07/2025)
- Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực Buôn Đôn ( 24/07/2025)
- Phát hiện và can thiệp sớm chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ ( 23/07/2025)
- CDC Đắk Lắk và ANRS/MIE (Pháp) tăng cường hợp tác trong phòng, chống HIV/AIDS và bệnh truyền nhiễm ( 16/07/2025)
- Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh Whitmore ( 11/07/2025)
- Thận trọng với mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy hiểm ( 11/07/2025)
- Những thay đổi mới từ Thông tư 26 giúp người bệnh mạn tính được điều trị liên tục ( 09/07/2025)
- Vai trò của tuyến y tế cơ sở trong quản lý thai nghén ( 07/07/2025)
- Chủ động công tác phòng, chống Cúm A (H5N1) ( 05/07/2025)
- Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ nhập viện khi mắc bệnh tay chân miệng ( 03/07/2025)
- Không chủ quan với các loại tai nạn thương tích ( 27/06/2025)
- Chú trọng an toàn thực phẩm trong bữa ăn gia đình ( 26/06/2025)
- Trang bị kiến thức, tạo “lá chắn” bảo vệ học sinh, thanh niên trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại tình dục ( 26/06/2025)
- Hệ lụy của việc tự ý bổ sung khoáng chất, vitamin khi mang thai ( 19/06/2025)
- Trạm Y tế thị trấn Krông Kmar: Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ( 19/06/2025)
- Nâng cao kỹ năng truyền thông, giao tiếp ứng xử cho nhân viên y tế ( 19/06/2025)
- Quyết liệt xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế ( 12/06/2025)
- Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết ( 12/06/2025)
- Để phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh ( 11/06/2025)
- Điều trị di chứng tai biến mạch máu não bằng phương pháp y học cổ truyền ( 11/06/2025)