07/01/2020 10:31
Những năm gần đây, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Vì vậy, công tác quản lí nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Năm 2019, UBND Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk triển khai mô hình điểm quản lí Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tại phường Thắng Lợi và đã cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình này.
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố
tại phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột
Thực hiện Kế hoạch quản lí Nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2019, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã chọn phường Thắng Lợi để xây dựng mô hình điểm quản lí nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tạo cơ sở để nhân rộng mô hình đến tất cả 21/21 xã/phường thành phố trong thời gian tiếp theo. Mục tiêu của mô hình là giúp UNBD cấp xã, phường thực hiện đầy đủ, đảm bảo các nội dung hoạt động quản lí ATTP trên địa bàn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, chủ động phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Thực hiện mô hình điểm quản lí Nhà nước về ATVSTP, UBND phường Thắng Lợi đã huy động sự tham gia của tất cả các ban, ngành đoàn thể, tổ dân phố, tổ liên gia, đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai mô hình, tập huấn, trang bị kiến thức quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho những đối tượng này. Hầu hết những người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố, tổ liên gia đều nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động và nhiệt tình hưởng ứng.
Để tạo sự lan tỏa cho mô hình điểm quản lí Nhà nước về ATVSTP, UBND phường Thắng Lợi đã tăng cường truyền thông về mục tiêu của mô hình đến mọi người dân trên địa bàn phường như tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của phường; truyền thông lưu động đến từng tổ liên gia, tổ dân phố, phát tờ rơi đến các cơ sở kinh doanh ăn uống…
Phường Thắng Lợi hiện có 212 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Trong đó 60 cơ sở do UBND thành phố Buôn Ma Thuột quản lí, 152 cơ sở còn lại gồm kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể dưới 50 suất ăn/1 lần phục vụ và dịch vụ ăn uống không có giấy đăng kí kinh doanh do UBND phường quản lí. Thực hiện mô hình điểm, 100% cơ sở này đã được tập huấn, trang bị kiến thức thực hành về ATVSTP, những quy định của pháp luật về ATVSTP. Bên cạnh đó, những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn được cấp dụng cụ bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm như mũ, tạp dề, bao tay, khẩu trang. Song song với công tác tuyên truyền, tập huấn, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường, nhằm tạo sự răn đe trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở kinh doanh ăn uống. Trong thời gian triển khai mô hình, 100% cơ sở ăn uống được giám sát, kiểm tra. Trong đó có 80% cơ sở được giám sát, kiểm tra hai lần. Qua giám sát, hầu hết các cơ sở kinh doanh ăn uống đều thực hiện chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh như che đậy thức ăn, đeo khẩu trang, bao tay, tạp dề khi chế biến. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, chủ cơ sở kinh doanh xôi trên đường Lí Thường Kiệt, phường Thắng Lợi cho biết trước đây chị chỉ chế biến thức ăn theo thói quen nhưng sau khi được tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP chị đã được cung cấp các kiến thức về ATVSTP như 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, quy trình chế biến một chiều, cách lưu mẫu thực phẩm… “Sau mỗi lần được tập huấn, tôi lại ý thức hơn về vai trò của mình đối với sức khỏe người tiêu dùng”, chị Thủy Tiên nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Định, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, vấn đề đảm bảo ATVSTP phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người kinh doanh thực phẩm do đó các cơ quan quản lí Nhà nước cần thường xuyên tuyên truyền, đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP. Nhờ thực hiện nghiêm công tác này mà ý thức của người kinh doanh ăn uống trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Năm 2019, trên địa bàn phường không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt vấn đề đảm bảo ATVSTP cũng còn một số cơ sở chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này. Kết quả kiểm tra, giám sát lần thứ hai việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của UBND TP. Buôn Ma Thuột và phường Thắng Lợi vẫn còn 16/60 cơ sở được kiểm tra vi phạm và phải xử phạt hành chính, chiếm tỉ lệ 26,7%; 16/120 cơ sở không đảm bảo các điều kiện về ATVSTP, chiếm tỉ lệ 13,3%. Các lỗi vi phạm chủ yếu là thức ăn không được che đậy, nơi kinh doanh nằm trên cống rãnh, không đảm bảo vệ sinh… Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Định, các cơ sở vi phạm chủ yếu là kinh doanh thức ăn đường phố, nhiều cơ sở hoạt động vào ban đêm. Do tính chất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, địa điểm buôn bán thường xuyên thay đổi nên công tác giám sát gặp nhiều khó khăn.
Bà Hồ Thị Tươi, Phó Trưởng phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết sau một năm thực hiện, mô hình điểm quản lí Nhà nước về ATVSTP tại phường Thắng Lợi đã cho thấy những kết quả khả quan. Tuy nhiên, mô hình này gồm nhiều hoạt động trải dài trong năm và phải có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục giữa UBND thành phố và chính quyền địa phương, trong khi nguồn nhân lực phụ trách công tác này còn hạn chế. Do đó, trong năm 2020, khi mô hình được nhân rộng đến 20 xã/phường còn lại, UBND thành phố sẽ tập trung hỗ trợ chính quyền địa phương vấn đề hướng dẫn kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm và đề xuất xử lí vi phạm.
Sau một năm triển khai mô hình điểm quản lí Nhà nước về ATVSTP tại phường Thắng Lợi, nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham mưu chuyên môn của ngành y tế, các hoạt động trong kế hoạch đã được thực hiện đầy đủ, các chỉ tiêu đề ra cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, mô hình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và chấp hành nghiêm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Những vi phạm và thiếu sót trong đảm bảo ATVSTP dần được khắc phục. Đây là tín hiệu tích cực để mô hình tiếp tục được nhân rộng đến các xã/phường trên địa bàn thành phố trong thời gian tiếp theo, góp phần hình thành thói quen sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, an toàn của các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo nền tảng để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Bài, ảnh: Thu Huế - Đình Thi
Khoa Truyền thông – Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác