26/05/2020 04:27
“Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm” là chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020. Theo đó, từ ngày 12/5 đến này 15/5, tất cả 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh đã đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại Công ty TNHH Dawa
Tháng hành động năm 2020 với mục tiêu tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP. Theo đó, các hộ sản xuất, kinh doanh ăn uống cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang có dịch bệnh Covid-19.
Bác sĩ CKI Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành số 2 cho biết: Trong tháng hành động vệ sinh ATTP, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP.
Trong đợt kiểm tra này, các đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã kiểm tra được 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, đã xử lý vi phạm 9 cơ sở không đạt (chiếm tỷ lệ 31%). Và gửi 14 mẫu đi kiểm nghiệm, nếu có phát hiện mẫu không đạt sẽ yêu cầu xử lý vi phạm bổ sung. Trong khi đó năm 2019 tổng số cơ sở được kiểm tra là 34 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 15 cơ sở (chiếm tỷ lệ 44%). So với năm 2019 thì đây là tín hiệu đáng mừng khi tỷ lệ số cơ sở vi phạm đã giảm.
Quá trình kiểm tra giám sát cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của vệ sinh ATTP và triển khai các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở như: Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty nước uống đóng chai Dawa, siêu thị CoopMark… Chị Trần Thị Thành Nhân – Phó giám đốc siêu thị CoopMark chi nhánh Buôn Ma Thuột cho biết: Khi nhập hàng hoá từ các nhà sản xuất về, nhân viên siêu thị sẽ kiểm tra rõ ràng nguồn gốc suất xứ, giấy tờ hợp lệ, sau đó mới nhập kho và trưng bày. Vấn đề về ATTP luôn được quan tâm hàng đầu. Đồng thời siêu thị cũng trang bị dung dịch sát khuẩn tay và đo thân nhiệt ở các cửa ra vào để đảm bảo sức khỏe người dân khi đến mua sắm tại siêu thị.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn hầu hết đều chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ vi phạm quy định về vệ sinh ATTP như điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm thực phẩm…, đoàn kiểm tra đã giao cho địa phương xử lý, đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện tốt các quy định về vệ sinh ATTP.
Không chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh chú trọng hơn về vai trò và tầm quan trọng của thực phẩm an toàn, mà ngay cả người tiêu dùng cũng đã tự nâng cao ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm. Anh Trần Đăng Tuân – trú tại Phường Tân An cho biết: Thực phẩm là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của bản thân và gia đình, nên lúc lựa chọn thực phẩm tôi thường tìm mua từ các cửa hàng uy tín, với các loại thực phẩm đóng gói, tôi luôn xem kỹ nguồn gốc cũng như nhãn mác và có đầy đủ ngày sản xuất, hạn sử dụng. Cũng cùng quan điểm với anh Tuân, chị Trần Thị Thu – Trú phường Tân Hoà cũng cho biết: chị luôn tìm mua các sản phẩm có nhãn mác rõ ràng, sản phẩm được sản xuất ở đâu… để đảm bảo sức khoẻ cho cả gia đình. Bên cạnh đó, cũng còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện đúng các quy định trong vệ sinh ATTP như siêu thị Thành Phát, đoàn đã tiến hành lập biên bản xử lý nghiêm các lỗi vi phạm như điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm thực phẩm…
Cùng với việc tổ chức giám sát, tuyên tuyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện các biện pháp thực hành an toàn thực phẩm để phòng ngừa dịch bệnh thì hiện nay Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, sự cố về an toàn thực phẩm, tập trung đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2020. Đồng thời, chủ động kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người dân./.
Bài, ảnh: Phượng Vũ – Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác