14/06/2021 04:26
Ngày 14/6, bà Lê Thị Châu, Chi cục Trưởng Chi cục Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra vụ ngộ độc ở một gia đình 6 người do ăn cháo bắp trộn nấm có độc tố.
Trước đó, vào tối 12/6, gia đình ông Y Grek Ksơr (58 tuổi, trú tại tại Buôn Bia, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) nấu cháo bắp, và còn ít nấm rừng mới hái được nên cho vào nồi nấu chung. Sau khi ăn xong, cả 6 người trong gia đình có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nghi bị ngộ độc thực phẩm. Trong số 6 người có triệu chứng, hai người là chị Nay H’Kiên (24 tuổi) và cháu Nay Y Tân (3 tuổi) đã được đưa đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo, 4 người còn lại do có biểu hiện nhẹ nên điều trị tại nhà.
Ngôi nhà nơi 6 người trong gia đình bị ngộ độc do ăn nấm chứa độc tố
Cũng theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trước đó, vào ngày 11/6, tại Buôn Hdung, xã Ea Mroh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xảy ra vụ ăn thịt cóc khiến anh Y Tuông Ksor (26 tuổi, trú buôn Dhung, xã Ea Mdroh) và hai người con là Y Hai Niê Hra (6 tuổi) và H’Bom Niê Hra (3 tuổi) bị ngộ độc phải nhập viện điều trị. Theo lời kể của gia đình, vào chiều 10/6, do trời mưa nên anh Y Tuông đi bắt cóc về làm thịt cho gia đình ăn. Đến sáng 11/6, sau khi làm thịt cóc và chế biến, anh Y Tuông cùng ăn với hai con. Ngay sau đó, cả 3 cha con Y Tuông có dấu hiệu bị ngộ độc nên được mọi người đưa đến trung tâm Y tế huyện Cư M’gar để cấp cứu. Hiện nay sức khoẻ của ba cha con đã ổn định, đang tiếp tục được điều trị.
Theo bà Lê Thị Châu, Chi cục Trưởng Chi cục Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk: Hiện nay khu vực Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, nóng, ẩm cao, mùa thuận lợi cho các loại nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Vì vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc; Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc; Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu. Sau khi ăn nấm, nếu xuất hiện các biểu hiện như đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối và có máu; Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; Co giật, tăng tiết đờm rãi; Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; Khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi thì phải gây nôn, rồi chuyển người nghi ngờ bị ngộ độc đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Còn về ngộ độc do ăn thịt cóc, bà Lê Thị Châu, Chi cục Trưởng Chi cục Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cóc là động vật lưỡng cư được sử dụng từ lâu tại Việt Nam như một món ăn bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, thịt cóc và các bộ phận của cóc còn ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Ngộ độc do sử dụng thịt cóc không đảm bảo, do sử dụng những phần chứa độc tố cóc như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan cóc và trong buồng trứng cóc đã được cảnh báo, khuyến cáo dưới nhiều hình thức nhưng hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn liên tục ghi nhận các trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc.
Khi ăn phải thịt cóc nhiễm độc, ngoài các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thông thường như buồn nôn, nôn, đau bụng, hoa mắt chóng mặt, thì chất bufotoxin trong thịt cóc làm người bệnh xuất hiện các hội chứng tim mạch và rối loạn thần kinh - tâm thần. Nạn nhân có các biểu hiện như cảm thấy hồi hộp, huyết áp cao hoặc tụt huyết áp, chân tay lạnh, bị ảo giác, chảy rãi, đổ mồ hôi, thậm chí ngưng thở và tử vong. Sau khi ăn thịt cóc hoặc trong khoảng 30 phút, nạn nhân sẽ có các biểu hiện buồn nôn, đau đầu, trướng bụng. Lúc này, cần nhanh chóng tiến hành gây nôn cho nạn nhân để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể. Theo phương pháp dân gian có thể cho nạn nhân uống nước cam thảo, lòng trắng trứng hoặc nước luộc đỗ xanh. Có thể cho nạn nhân uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố còn trong cơ thể. Sau đó phải nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đi cấp cứu để các bác sĩ tiến hành các biện pháp đào thải độc tố chuyên nghiệp cũng như điều trị triệt để các triệu chứng đi kèm.
Bé H’Bom Niê Hra (3 tuổi) đang được điều trị tại Bệnh viện do ngộ độc thịt cóc
Theo bà Châu, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Với trẻ nhỏ, phụ huynh không nên mạo hiểm cho con ăn với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn. Theo các chuyên gia, vitamin D và canxi trong thịt cóc rất ít, không thể chống còi xương ở trẻ. Thịt bò hoàn toàn có lượng đạm tương đương với thịt cóc. Bên cạnh đó, các món hải sản còn có lượng kẽm nhiều hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể dùng các loại thực phẩm này thay vì thịt cóc, chúng lại còn có độ an toàn cao hơn.
Bài; ảnh: Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác