18/03/2021 10:00
Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, không phải loại nấm nào cũng có thể sử dụng. Bởi trong thực tế, không ít vụ ngộ độc nấm đã xảy ra và nhiều trường hợp tử vong sau khi ăn nấm độc. Do đó, người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm này khi chưa biết rõ nguồn gốc loại nấm để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Cuối tháng 2 vừa qua, tại tỉnh Sơn La đã có 4 người trong một gia đình bị ngộ độc nấm, trong đó có 2 người ngộ độc nặng được chuyển đi điều trị tại Trung tâm Chống độc ( Bệnh viện Bạch Mai). Riêng tại Đắk Lắk trong quý I/2021 chưa có trường hợp ngộ độc do nấm, nhưng mọi người cần nâng cao nhận thức về sử dụng nấm an toàn để phòng tránh ngộ độc.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên thế giới hiện có hơn 10.000 loại nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tử vong do ngộ độc nấm gây ra. Nhưng một số người dân vẫn giữ thói quen hái nấm tự nhiên trong rừng về ăn.
Bác sĩ Trần Văn Tiết – Phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhiều người lầm tưởng nấm độc phải là nấm có màu sắc sặc sỡ nên thấy nấm trắng đã hái về ăn, mà không biết rằng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, có những loại nấm, sâu bọ ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người. Hay một số người cho gà, chó ăn thử nấm trước, sau 1-2 giờ mà động vật đó không chết hoặc không bị ngộ độc thì đó là nấm không độc. Cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm độc tác dụng nhanh và không gây chết người. Còn hầu hết nấm độc gây chết người có tác dụng chậm, từ 12 đến 24 giờ sau khi ăn mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm .
Tùy theo từng loại nấm mà xuất hiện triệu chứng trước 6 giờ hoặc xuất hiện muộn từ 6 đến 40 giờ sau khi ăn, ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa. Ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện, như: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài nhiều lần; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở… Thậm chí, có một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.
Bác sĩ Tiết cho rằng, 80% bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy, việc cấp cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng. Do đó, trong khi chờ cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh bằng cách gây nôn hoặc dùng than hoạt tính có tác dụng làm giảm chất độc. Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol. Hoặc uống 30g than hoạt tính (tương đương 2 thìa canh) với 1-2 cốc nước. Trường hợp người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng; người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ; sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 200 độ C, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy. Vì vậy, để an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (như mũ, phiến, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt, những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
Người dân không nên ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc. Ngoài ra, với cả loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. khi có nghi bị ngộ khi ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Bài, ảnh: Kim Oanh – Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác