23/04/2022 02:48
Trước những vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã và đang vào cuộc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Là một trong những địa bàn trọng điểm của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 2.285 cơ sở thực phẩm, trong đó: thành phố quản lý 1.267 cơ cở (747 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể từ 50 – 200 suất ăn, dịch vụ nấu ăn lưu động và 520 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Tuyến xã, phường quản lý 1.018 cơ sở (783 cơ sở thức ăn đường phố và 235 cơ sở kinh doanh thực phẩm). Các cơ quan chức năng của thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cơ sở sản xuất, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tăng cường giám sát hỗ trợ 21 xã, phường trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính. Nhờ đó, tính riêng trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm có đông người mắc.
Trong đợt cao điểm tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, UBND Thành phố đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành; các xã, phường thành lập 21 đoàn tổ chức kiểm tra theo phân cấp quản lý. Mục đích của đợt thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, các cơ sở có bếp ăn tập thể; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Thông qua đợt thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Qua đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các đơn vị.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Tp. Buôn Ma Thuột.
Chị Nguyễn Thị Phương (chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường Tân Lập) chia sẻ: “Thời gian qua, do dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh tạm thời đóng cửa. Đầu tháng 4 tôi mới mở cửa kinh doanh trở lại. Được hướng dẫn, phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi luôn lựa chọn nguồn thực phẩm đầu vào chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản và chế biến hợp vệ sinh nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”. Tương tự, anh Đặng Văn Bình (chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm, phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột) cho hay: “Được chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở nên tôi đã tự giác thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người nên tôi luôn quan tâm lựa chọn và kinh doanh những sản phẩm có nguồn gốc, ưu tiên các thương hiệu có uy tín”.
Ông Lê Đại Thắng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, sau hơn 2 năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay, địa phương đã bắt đầu nới lỏng các hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nên chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm không chỉ trong tháng hành động này mà còn xuyên suốt trong cả năm 2022 để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Tiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, thời điểm hiện tại khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Để tạo bước chuyển biến mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Cùng với đó, huyện, thị xã, thành phố phải đẩy mạnh hoạt động của các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm... Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy định của Luật an toàn thực phẩm đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng gây ra./.
Bài: Võ Quỳnh; Ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác