28/08/2024 10:30
Với mục tiêu đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới, những năm qua, Ngành y tế Đắk Lắk đã phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới. Đặc biệt là chương trình kết hợp quân dân y, đã giúp cho người dân được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế tiến bộ, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ia Rvê là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, đời sống của người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nhất là các hộ dân sinh sống giáp biên giới, bởi cách trung tâm huyện hơn 50km, cách trung tâm thành phố hơn 120km. Vậy nên, mỗi khi đau ốm, đa phần người dân tìm đến phòng khám quân dân y của Bộ đội Biên phòng. Trước nhu cầu cấp thiết về khám chữa bệnh của người dân địa phương, năm 2014, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê và được đặt tại thôn 5, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp.
|
Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh khám chữa bệnh cho người dân biên giới xã Ia Rve, huyện Ea Súp.
|
Được điều động về nhận nhiệm vụ tại Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê, thiếu tá Hoàng Ngọc Linh chia sẻ, với chức năng trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, khảo sát và nắm bắt tình hình bệnh tật, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong vùng. Do vậy, phòng khám thường xuyên phối hợp chặt chẽ với trạm y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chăm sóc sức khỏe; cấp phát thuốc kịp thời cho nhân dân để ngăn chặn dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát quang bụi rậm, sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh... toàn xã Ia Rvê có 2.200 hộ gia đình, dân cư phân bố thưa thớt trên địa bàn 14 thôn. Đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, đối tượng khám, chữa bệnh đều thuộc diện bảo hiểm nhưng với phương châm lấy y đức làm đầu, cán bộ y bác sĩ đều xác định tốt tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ niềm nở, chu đáo, tận tình.
|
Người dân vùng biên giới được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.
|
Cũng theo thiếu tá Hoàng Ngọc Linh, trước đây, bà con đau ốm luôn tìm đến những phương thức chữa trị truyền thống, trong đó có một số phương pháp phản khoa học, không chữa được bệnh mà còn khiến sức khoẻ của người bệnh xấu đi. Từ khi có Phòng khám y tế quân dân y kết hợp thì người dân có bệnh là tới đây thăm khám.
“Trung bình mỗi ngày, phòng khám đón hơn 10 bệnh nhân đến khám. Đặc biệt, vào những thời điểm giao mùa, số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh nhiều hơn. Qua thăm khám cho thấy, đa phần người dân gặp phải các bệnh như hội chứng đau vai gáy, đau cột sống, thắt lưng, bệnh lý liên quan đến quá trình lao động sản xuất nông nghiệp”, thiếu tá Linh chia sẻ..
Trong những năm qua, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất y tế tại khu vực biên giới còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn giỏi, đội ngũ bác sĩ quân dân y tại khu vực biên giới huyện Ea Súp đã có những biện pháp điều trị hiệu quả. Một trong những phương pháp nổi bật là kết hợp phương pháp Đông y với Tây y để chữa bệnh. Cụ thể như sử dụng thuốc tiêm vào huyệt đạo (gọi là thủy châm) kết hợp với châm cứu và chiếu đèn... Thực tế cho thấy, những bệnh nặng như liệt cơ, thoát vị đĩa đệm đã được chữa khỏi hoàn toàn nhờ phương pháp này.
“Trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, là một cán bộ quân y, tôi luôn mong muốn giúp đỡ bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Được bà con tin tưởng, tôi có thêm tâm huyết với nghề và cố gắng nhiều hơn nữa để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” thiếu tá Linh, nói.
Một trong những trường hợp được chữa khỏi ngay tại Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê là chị Nguyễn Thị Hải, ở thôn 1, xã Ia Rvê. Chị Hải cho biết, là một người thợ may, không may chị bị liệt cơ bàn tay phải, sau nhiều lần điều trị không khỏi, mọi chuyện tưởng chừng như vô vọng, nhưng chỉ sau 17 ngày điều trị bằng phương pháp thủy châm kết hợp với châm cứu và chiếu đèn, bàn tay của chị Hải đã dần hồi phục và trở lại bình thường.
“Người dân ở đây đi ra trung tâm huyện rất xa nên khi đau bệnh trước tiên mình ra trạm xá để chữa bệnh, bác sĩ cũng nhiệt tình. Trước đây đi lại khó khăn, thuốc men ít, giờ đường sá đi lại đỡ đỡ, thuốc men cũng đầy đủ, bác sĩ y tá nhiệt tình, để đảm bảo sức khỏe cho dân. Người dân ở đây cũng yên tâm hơn” chị Hải chia sẻ.
Ông Nay Phi La, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, trong khi nguồn lực của ngành y tế còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và con người thì chương trình kết hợp quân dân y đã góp phần tháo gỡ những khó khăn về các dịch vụ y tế tại những vùng biên giới của tỉnh. Theo đó, với sự ra đời của các Phòng khám y tế quân dân y kết hợp đã trở thành “cánh tay nối dài” y tế cơ sở đến tận thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế tiến bộ, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
|
Sở Y tế và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk ký kết quy chế phối hợp công tác kết hợp quân dân y khu vực biên giới.
|
“Do tình hình dịch bệnh tại các xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk có nhiều diễn biến phức tạp và thường không ổn định. Phần lớn người dân sống ở khu vực này là đồng bào dân tộc, đời sống còn nghèo, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn; một số tập quán không có lợi cho sức khỏe. Do vậy, hằng năm, Sở Y tế luôn có chương trình, kế hoạch cụ thể, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị y tế và nhân lực để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng, trong đó có Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn để tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, ông Nay Phi La chia sẻ.
Đến nay, trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 3 phòng khám kết hợp Quân dân y tại địa bàn 3 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Trong những năm qua, các Phòng khám kết hợp quân dân y phối hợp cùng với Trạm y tế địa phương đã thực hiện nhiều chương trình y tế trên địa bàn; tổ chức khám, cấp cứu, điều trị, cấp phát thuốc cho hàng ngàn lượt người dân tại các xã biên giới và các vùng lân cận. Các Phòng khám kết hợp quân dân y bước đầu trở thành điểm tựa vững chắc cho các bệnh nhân nghèo đến khám và điều trị bệnh, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe, từ đó giúp người dân ổn định đời sống và đồng hành với chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, Nay Phi La, hiện nay do nguồn kinh phí còn hạn chế, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng một phần đến chất lượng khám chữa bệnh. Do vậy, vừa qua, Sở Y tế và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các phòng khám kết hợp quân dân y, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở phòng khám kết hợp quân dân y; bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân khu vực biên giới trong thời gian tiếp theo. Đây là mục tiêu của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tốt sức mạnh của Y tế nhân dân và Y tế Quân đội trong công tác tăng cường chăm sóc bảo vệ sức khỏe quân và dân vùng biên giới, khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác. Thông qua đó, sẽ đồng hành cùng nhân dân phát triển kinh tế -xã hội, tạo nên tiềm lực chính trị vững chắc, góp phần giữ vững Quốc phòng - an ninh trong khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk.
Bảo Trọng |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác