31/05/2018 12:00
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk đã và đang là vấn đề nhức nhối. Mặc dù, trong những năm gần đây, các ngành chức năng ở Đắk Lắk đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, tránh xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống nhưng tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí con số thực tế còn cao hơn thống kê hiện nay.
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông dân số, nhất là tại vùng sâu vùng xa.
Gia đình bà H’Blơp Enuôl sinh sống ở buôn Kdun, xã Cư Ê Bua, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Vợ chồng bà H’Blơp sinh được ba người con (hai con trai và một con gái), hoàn cảnh kinh tế so với các hộ trong buôn ở mức trung bình nhưng các con của bà đều sớm lần lượt nghỉ học và kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Con gái đầu của bà H’Blơp là H’Nik ÊNuôl năm nay vừa tròn 27 tuổi nhưng đã là mẹ của ba đứa con gái.
“Do nghỉ học từ năm lớp 8, lấy chồng từ năm 17 tuổi, sau đó, sinh con liên tục, con cái lại thường xuyên đau ốm nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình mình đều phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ làm thuê, làm mướn của chồng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn”- H’Nik ÊNuôl Kdun, xã Cư Ê Bua, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk nói.
Còn H’Juyl Ê Ban là em dâu của H’Nik Ê Nuôl, hiện mới bước sang tuổi 16 nhưng đã mang thai được bốn tháng. Mặc dù H’Juyl và gia đình đều hiểu rõ kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống là vi phạm pháp luật nhưng vì lỡ có thai nên hai bên gia đình vẫn chấp nhận tổ chức đám cưới.
H’Juyl Ê Ban ở buôn Đung, xã EaNuôl, huyên Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “ Mặc dù hai bên gia đình đều cho phép nhưng về Pháp luật vẫn chưa được đăng ký kết hôn, khi nào đủ 18 tuổi mới được đăng ký, nên sắp tới con mình chào đời cũng chưa thể làm giấy khai sinh”.
“Từ hồi xưa rồi, tôi cũng lấy chồng rất sớm mà cha mẹ không ai phản đối, bây giờ con cái cũng vậy, nó ưng thì lấy, không ưng thì thôi…”- Bà H’Blơp Enuôl ở buôn Kdun, xã Cư Ê Bua, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk nói.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 800 cặp tảo hôn và gần 20 cặp trường hợp kết hôn cận huyết thống, trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện Ea Súp, Ea H’Leo,Cư’Mgar, Krông Pắc và Krông Bông… Nguyên nhân chủ yếu là do các cặp tảo hôn yêu sớm và quan hệ trước hôn nhân đã có thai ngoài ý muốn hoặc kết hôn cận huyết thống do muốn giữ tài sản của gia đình, không muốn tài sản vào tay dòng họ khác…
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Từ năm 2011 đến 2015 và giai đoạn từ năm 2015-2017, hệ thống ngành Y tế Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống bằng nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dân số, thăm hộ gia đình, vận động người dân cùng tham gia phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này còn rất hạn chế.”
Theo đó, để giảm các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại Đắk Lắk trong thời gian tới, rất cần có sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, sự hỗ trợ kinh phí từ các chương trình trong việc triển khai các hoạt động can thiệp nhằm mục đích làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, từ đó, góp phần giảm, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại tỉnh Đắk Lắk.
Hương Xuân – Quang Nhật
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác