03/05/2017 12:00
Mặc dù an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mà lâu nay các cơ quan thông tin đại chúng đã tốn không ít giấy mực để làm cái việc “báo động”, nhưng cho tới thời điểm này, nó vẫn cứ là chuyện không thể yên tâm. Có thể nói, sức khoẻ của người tiêu dùng vẫn đã và đang tiếp tục bị đe doạ bởi những kiểu làm ăn “thấy là sợ”.
|
Khu sản xuất bánh tráng tại một cơ sở không bảo đảm vệ sinh, bánh tráng thành phẩm để dưới sàn nhà, không được kê đậy. |
Rau, thịt là nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh đối với các loại thực phẩm này vẫn đang khiến người tiêu dùng lo ngại. Tình trạng dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản tồn tại trong sản phẩm rau, thịt cũng khá phổ biến. Tất cả trở thành mối nguy cơ đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng.
Những khu “hậu trường”... phát ớn
Năm nay, “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm” được thực hiện với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, sử dụng rau thịt an toàn”. Căn cứ theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành này trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra thực phẩm rau, thịt và các sản phẩm chế biến từ rau, thịt.
Trong những ngày đầu tiên ra quân kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố. Theo chân đoàn, chúng tôi có dịp “mục sở thị” những cảnh giết mổ gia súc, gia cầm với phần “hậu trường” thật kinh khủng!
Tại một cơ sở giết mổ heo ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, đứng từ ngoài cổng đã có thể ngửi thấy mùi hôi khó chịu bốc ra. Vào bên trong, mùi tanh hôi càng nồng nặc hơn. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nơi giết mổ vô cùng nhếch nhác, mất vệ sinh.
Những con heo bị giết mổ trực tiếp dưới nền gạch nhầy nhụa nào máu, nào lông, nào phân. Mớ ruột, gan heo nằm lăn lóc, ruồi nhặng bu đen, khiến những người chứng kiến không khỏi rùng mình. Thợ giết mổ heo tại đây chẳng hề mang một dụng cụ bảo hộ lao động nào, chỉ dùng tay trần thực hiện mọi công đoạn từ bắt heo đến cạo lông, xẻ thịt...
Lý do- theo phân trần của một người thợ giết mổ: đeo găng tay, ủng dễ vướng víu hoặc trơn trợt, khó làm lắm. Hầu như những người làm công việc này đều không ý thức được rằng, trang bị bảo hộ lao động là bảo vệ chính mình, tránh nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với heo bệnh.
Khi công việc giết mổ xong xuôi, heo được chất đống lên xe máy đưa đi tiêu thụ mà không được che đậy kỹ càng, mặc kệ nắng gió, bụi bặm đầy trên đường. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt mà còn có khả năng làm cho thịt bị nhiễm khuẩn từ môi trường, chưa kể nguy cơ gây lây nhiễm chồng chéo ra môi trường nếu gặp thịt heo bệnh.
Tương tự, tại một cơ sở giết mổ gia cầm ở thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm cơ bản trong quy trình giết mổ. Điều kiện giết mổ tại cơ sở này không đúng quy định; kệ giết mổ và để thịt gia cầm sau khi giết mổ chưa đạt yêu cầu do làm bằng gỗ (theo nguyên tắc phải là kệ inox hoặc gạch men). Khâu vệ sinh cơ sở cũng kém; lông gà, lông vịt bay khắp nơi.
Đáng… “kinh hãi” hơn, trên tường, trên sàn, kệ để gia cầm bám đầy những phân và máu do không được cọ rửa thường xuyên. Mùi hôi tanh bốc lên nhức cả đầu.
Có một thực tế là hầu như các cơ sở giết mổ tập trung đều hoạt động với quy mô nhỏ, khâu giết mổ chủ yếu làm theo phương pháp thủ công. Khu giết mổ chưa đúng quy cách, không bảo đảm nguyên tắc một chiều. Khu vực nhốt heo, giết mổ, khu để thịt sau giết mổ chưa có sự tách biệt và che chắn kỹ càng như quy định. Nhiều cơ sở giết mổ đã xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm khâu vệ sinh. Chẳng hạn như một cơ sở giết mổ heo, bò ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Cơ sở này khá xập xệ, chật chội. Nền nhà, bệ giết mổ nhiều chỗ đã bong tróc, nham nhở, hoen ố, rong rêu bám đầy. Khu vực nhốt heo đặt sát bên cạnh khu giết mổ.
Còn một lỗi vi phạm khác mà hều hết các cơ sở cũng đều mắc phải là hệ thống xử lý chất thải chưa đồng bộ, thậm chí chưa được quan tâm thực hiện. Nước bẩn, phân gia súc chưa qua xử lý cứ thế xả thẳng ra môi trường.
Một cán bộ kiểm dịch của Trạm Thú y huyện Dương Minh Châu cho biết, địa phương này hiện có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ. Trong đó có một cơ sở thực hiện phương thức giết mổ công nghệ cao, với công suất hơn 1.000 con gà, vịt/ngày, nhưng vì đầu ra gặp khó khăn nên cơ sở này đã phải tạm ngừng hoạt động.
Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng một cơ sở giết mổ đúng yêu cầu đòi hỏi phải tốn kém khoản chi phí khá cao, nhiều cơ sở không có khả năng tài chính, hoặc có khả năng nhưng còn dè dặt chưa dám đầu tư một cách bài bản, sợ khó thu hồi được vốn.
Theo nhận định của bác sĩ Đoàn Xuân Tứ- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm- phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, với quy trình giết mổ không bảo đảm vệ sinh như thế, nguy cơ thịt bị nhiễm khuẩn rất cao. Cũng theo ông, qua đợt kiểm tra này, khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở giết mổ còn nhiều điều đáng lo ngại.
Người tham gia giết mổ còn thiếu kiến thức, thiếu cả ý thức trách nhiệm về an toàn vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vẫn còn một số người lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng trong quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo ra nguồn thực phẩm không an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
|
Một cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh. |
Kiểm là thấy
Bên cạnh việc tập trung kiểm tra đối với các loại thực phẩm rau, thịt, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó có thể thấy tình trạng… kiểm hoài vẫn cứ sai hoài! Đợt này, đoàn đã tiến hành lập biên bản tạm ngưng hoạt động hai cơ sở sản xuất bánh tráng ở ấp 5, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu trong vòng 10 ngày, yêu cầu hai cơ sở khắc phục các lỗi vi phạm.
Đó là cơ sở sản xuất bánh tráng của ông Nguyễn Văn Rũ và cơ sở sản xuất bánh tráng muối ớt của bà Huỳnh Thị Rốp. Tại cơ sở của ông Rũ, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều lỗi vi phạm như hầu hết nhân viên chưa được khám sức khoẻ định kỳ, không được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm đúng thời gian quy định.
Tại khu sản xuất, chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng thấy… từ bẩn tới bẩn; mọi thứ ở đây không được kê cao, che đậy kỹ, bánh tráng thành phẩm, bột nguyên liệu để trực tiếp dưới nền đất ẩm ướt, bẩn thỉu. Nhiều bao bột không được che đậy cẩn thận, bột chảy lênh láng dưới nền.
Hỏi về xuất xứ nguyên liệu, chủ cơ sở tỏ vẻ… ngơ ngác, không trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc, chất lượng. Nói thêm, cơ sở đã được phổ biến, nhắc nhở vấn đề này khá nhiều lần trước đó. Cơ sở của bà Rốp cũng mất vệ sinh không kém.
Khu sản xuất nhếch nhác, nguyên liệu để ngổn ngang khắp nơi. Đáng sợ hơn là chiếc máy tráng bánh có lẽ đã lâu ngày không được cọ rửa, bám đầy bụi bẩn. Mọi công đoạn chế biến bánh tráng tại đây đều được thực hiện bằng tay trần, người chế biến hoàn toàn không trang bị găng tay, khẩu trang. Chứng kiến cách sản xuất bánh tráng của hai cơ sở này, có người cho rằng có được chiêu đãi miễn phí cũng… không dám ăn.
Mặc dù an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mà lâu nay các cơ quan thông tin đại chúng đã tốn không ít giấy mực để làm cái việc “báo động”, nhưng cho tới thời điểm này, nó vẫn cứ là chuyện không thể yên tâm. Có thể nói sức khoẻ của người tiêu dùng vẫn đã và đang tiếp tục bị đe doạ bởi những kiểu làm ăn “thấy là sợ”.
Chẳng có cách nào khác hơn là sự tăng cường kiểm tra của các ngành chức năng và sự nghiêm khắc trong việc xử lý các cơ sở vi phạm. Về phía người tiêu dùng, muốn tự bảo vệ được bản thân và gia đình thì cần nâng cao ý thức lẫn kiến thức cộng với sự cẩn trọng trong việc chọn lựa, sử dụng nguồn thực phẩm hằng ngày.
Nguồn: baobaovephapluat.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Tỉnh Đắk Lắk: Triển khai kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 ( 26/04/2024)
- Hội nghị Tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2023 và triển khai Kế hoạch năm 2024 ( 02/01/2024)
- Một số văn bản hợp nhất của Bộ Y tế năm 2023 hợp nhất Thông tư, Quyết định về An toàn thực phẩm ( 08/11/2023)
- Ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ( 28/09/2023)
- Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ( 14/09/2023)
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 ( 20/04/2023)
- Kết quả triển khai trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ( 08/06/2022)
- Kết quả giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 ( 04/05/2022)
- Kết quả giám sát, đánh giá một số mối nguy gây ô nhiễm ở những thực phẩm phổ biến trên thị trường tỉnh Đắk Lắk đợt 01 năm 2021 ( 24/06/2021)
- CẢNH BÁO: “ĂN THỊT CÓC CÓ THỂ DẪN ĐẾN TỬ VONG” ( 14/06/2021)
- Kết quả triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ Hội xuân năm 2021 ( 24/02/2021)
- Huyện Lắk tổ chức giám sát ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các trường học ( 19/10/2020)
- Đắk Lắk thực hiện giám sát bảo đảm An toàn thực phẩm trong khu vực cách ly đội ngũ Y, Bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch bệnh Covid -19 ( 10/09/2020)
- 01 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ( 03/05/2017)
- Hội thảo bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất ( 03/05/2017)
- Gạo nhựa Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam hay chưa? ( 03/05/2017)
- Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm làm việc tại Đắk Lắk ( 03/05/2017)
- 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm ( 03/05/2017)
- Thông tin về 12 tấn thực phẩm chức năng giả bị thu giữ ( 03/05/2017)
- Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm ( 03/05/2017)