14/06/2021 02:05
Tình hình ngộ độc do ăn thịt cóc tăng cao trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 03 vụ ngộ độc do độc tố trong cóc (năm 2015: 02 vụ, năm 2019: 01 vụ) làm 09 người ngộ độc có 03 người tử vong. Tình hình ngộ độc do ăn thịt cóc tăng cao như hồi chuông cảnh báo mọi người về ý thức trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và phòng chống ngộ độc thực phẩm do thịt cóc nói riêng.
Ngộ độc thịt cóc: 03 người nhập viện, 01 người tử vong
Trưa ngày 08/5/2015, khi cả nhà chị H’Jút Niê (sinh năm 1990, trú tại buôn Cư Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đi làm về thì phát hiện 03 cháu nhỏ gồm: Y’Chim Niê (9 tuổi), Y’Wi Niê (4 tuổi), H’Tuyết Niê (2 tuổi) đang nôn ói. Nghi ngờ ba cháu bị ngộ độc thịt cóc nên gia đình lập tức đưa các cháu đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để cấp cứu. Bệnh nhân H’Tuyết rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy đa phủ tạng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực cho cả 03 bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân H’Tuyết ăn quá nhiều trứng cóc nên ngấm một lượng độc tố lớn vì thế bệnh nhân này đã tử vong sau 03 giờ điều trị tích cực. Còn hai bệnh nhân Y Chim và Y Wi, có triệu chứng ngộ độc nhẹ hơn.
Ăn thịt cóc: 03 người ăn, 02 tử vong
Tiếp đó, Ngày 05/12/2015, một vụ ngộ độc do ăn thịt cóc và trứng cóc đã xảy ra ở Buôn Bhung, xã Cư Pui, Huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk làm 03 trẻ ăn đều bị ngộ độc, trong đó 02 trẻ tử vong. Theo chị H’Blet Byã mẹ của 03 cháu nhỏ bị ngộ độc thịt cóc, Lúc 16 giờ cùng ngày gia đình đi làm về thấy 03 cháu xuất hiện các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng, riêng hai bé nhỏ tuổi nôn liên tục, da nhợt nhạt và hôn mê. Phát hiện những sự việc trên, gia đình đã lập tức đưa các cháu nhỏ đến Trạm Y tế xã, sau đó chuyển lên thẳng bệnh viện huyện Krông Bông, tại đây 01 trường hợp đã tử vong và 02 trường hợp ngộ độc nặng các bác sỹ đã chuyển thẳng các cháu lên Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắk Lắk để cấp cứu, nhưng trên đường đi cấp cứu một trường hợp đã không qua khỏi.
Ăn thịt cóc: 03 người ăn bị ngộ độc
Mới đây nhất, ngày 14/10/2019 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiếp nhận thông tin tại Buôn Kli A, Phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk có 03 mẹ con ăn thịt cóc và trứng cóc làm 03 người đều bị ngộ độc, được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời và đã qua cơn nguy kịch.
Độc tố trong thịt cóc
Được biết, cóc là động vật lưỡng cư được sử dụng từ lâu tại Việt Nam như một món ăn bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe con người trong Đông Y lại dùng cóc trong việc hỗ trợ chữa một số bệnh như: hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích …; tuy nhiên Tây Y không còn dùng cóc và nhựa cóc để chữa bệnh vì độc tính của nhựa cóc rất cao, thịt cóc và các bộ phận của cóc còn ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Ngộ độc do sử dụng thịt cóc không đảm bảo, do sử dụng những phần chứa độc tố cóc như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan cóc và trong buồng trứng cóc đã được cảnh báo, khuyến cáo dưới nhiều hình thức nhưng vẫn gây nhiều ca tử vong thương tâm.
Độc tố chỉ có một số bộ phận cơ thể như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng. Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin gồm nhiều chất như: 5-MeO-DMT, Bufagin, Bufotaline, Bufogenine, Bufothionine, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin… Tác động sinh học của độc tố tùy theo cấu trúc hoá học: Bufogin tác động đến tim mạch như nhóm Glycoside tim mạch; Bufotenin gây ảo giác; Serotonin gây hạ huyết áp... Thành phần độc tố thay đổi tuỳ theo loài cóc. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da bình thường, nhưng gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc người.
Các chuyên gia cho biết, lượng bufotoxin trong một con cóc có thể khiến 4-5 người khỏe mạnh tử vong. Dù qua cơn nguy kịch, nạn nhân vẫn có những di chứng như suy thận, ảnh hưởng thần kinh.
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cóc
Do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố lẫn vào cơ cóc nên ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố gây ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc
Thời gian biểu hiện các triệu chứng ngộ độc là từ khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn thịt cóc. Ngoài các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thông thường như buồn nôn, nôn, đau bụng, hoa mắt chóng mặt, thì chất bufotoxin trong thịt cóc làm người bệnh xuất hiện các hội chứng tim mạch và rối loạn thần kinh - tâm thần. Nạn nhân có các biểu hiện như cảm thấy hồi hộp, huyết áp cao hoặc tụt huyết áp, chân tay lạnh, bị ảo giác, chảy rãi, đổ mồ hôi, thậm chí ngưng thở và tử vong.
Xử trí ngộ độc thịt cóc
Sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ hạn chế trường hợp xấu nhất xảy ra. Sau khi ăn thịt cóc hoặc trong khoảng 30 phút, nạn nhân sẽ có các biểu hiện buồn nôn, đau đầu, trướng bụng. Lúc này, cần nhanh chóng tiến hành gây nôn cho nạn nhân (cho nạn nhân nằm nghiêng rồi móc họng hoặc nạn nhân tự làm) để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể. Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ độc tố, rửa dạ dày .
Theo phương pháp dân gian có thể cho nạn nhân uống nước cam thảo, lòng trắng trứng hoặc nước luộc đỗ xanh. Có thể cho nạn nhân uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố còn trong cơ thể. Sau đó phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu để các bác sĩ tiến hành các biện pháp đào thải độc tố chuyên nghiệp cũng như điều trị triệt để các triệu chứng đi kèm.
Đề phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Với trẻ nhỏ, phụ huynh không nên mạo hiểm cho con ăn với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn. Theo các chuyên gia, vitamin D và canxi trong thịt cóc rất ít, không thể chống còi xương ở trẻ. Thịt bò hoàn toàn có lượng đạm tương đương với thịt cóc. Bên cạnh đó, các món hải sản còn có lượng kẽm nhiều hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể dùng các loại thực phẩm này thay vì thịt cóc, chúng lại còn có độ an toàn cao hơn.
Chi cục ATVSTP tỉnh Đắk Lắk ( Thực hiện – Tổng hợp)
|
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Tỉnh Đắk Lắk: Triển khai kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 ( 26/04/2024)
- Hội nghị Tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2023 và triển khai Kế hoạch năm 2024 ( 02/01/2024)
- Một số văn bản hợp nhất của Bộ Y tế năm 2023 hợp nhất Thông tư, Quyết định về An toàn thực phẩm ( 08/11/2023)
- Ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ( 28/09/2023)
- Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ( 14/09/2023)
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 ( 20/04/2023)
- Kết quả triển khai trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ( 08/06/2022)
- Kết quả giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 ( 04/05/2022)
- Kết quả giám sát, đánh giá một số mối nguy gây ô nhiễm ở những thực phẩm phổ biến trên thị trường tỉnh Đắk Lắk đợt 01 năm 2021 ( 24/06/2021)
- Kết quả triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ Hội xuân năm 2021 ( 24/02/2021)
- Huyện Lắk tổ chức giám sát ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các trường học ( 19/10/2020)
- Đắk Lắk thực hiện giám sát bảo đảm An toàn thực phẩm trong khu vực cách ly đội ngũ Y, Bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch bệnh Covid -19 ( 10/09/2020)
- 01 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ( 03/05/2017)
- Hội thảo bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất ( 03/05/2017)
- Gạo nhựa Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam hay chưa? ( 03/05/2017)
- An toàn vệ sinh thực phẩm - kiểm hoài vẫn... sai hoài ( 03/05/2017)
- Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm làm việc tại Đắk Lắk ( 03/05/2017)
- 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm ( 03/05/2017)
- Thông tin về 12 tấn thực phẩm chức năng giả bị thu giữ ( 03/05/2017)
- Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm ( 03/05/2017)