14/05/2024 01:01
Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh nên khi đã lên cơn dại, 100% người mắc bệnh đều sẽ tử vong nhanh chóng. Bệnh chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào. Do đó việc chủ động phòng bệnh bằng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào là việc làm rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít người dân do lo ngại các tác dụng phụ của vắc xin nên không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn, mèo cào dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì bệnh dại, trong đó 03 trường hợp tại huyện Krông Pắc, 01 trường hợp tại huyện Krông Buk và 01 trường hợp tại huyện Cư M’gar. Điều đáng nói, do chủ quan nên hầu hết các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng vắc xin dại sau khi bị chó cắn. Theo bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, không những trong năm nay mà trong khoảng 5 năm gần đây, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung có diễn biến rất phức tạp. Năm nào tỉnh cũng có bốn đến năm ca tử vong do bệnh dại, rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Đây là vấn đề rất khó khăn trong công việc khống chế bệnh dại. Hiện nay, theo xét nghiệm về dại trên động vật của Chi cục thú y vùng và thống kê của Chi cục thú y tỉnh cho thấy mức độ lưu hành của dịch tễ và vi rút dại trên động vật ở các thôn, buôn, xã, phường rải rác rất nhiều. Do đó, nếu không tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, không quản lý tốt đàn chó thì việc lây lan bệnh dại từ động vật sang người sẽ có diễn biến rất phức tạp.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải được điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Khoảng 60.000 - 70.000 người tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới. Cũng theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm vi rút dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Tuy nhiên, mặc dù đã có vắc xin và huyết thanh kháng dại, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều người dân chủ quan hoặc lo lắng về các tác dụng phụ của vắc xin nên chần chừ không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn, mèo cào. Chị Nguyễn Bích Loan (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Tôi biết trước đến nay nếu khi bị chó cắn, mèo cào thì chúng ta nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên, tôi cũng có nghe một số thông tin rằng vắc xin phòng bệnh dại có thể có các tác dụng phụ, đối với trẻ em cũng hơi nguy hiểm. Gần đây con của tôi có chơi đùa với chó con và bị chó cào. Sau khi đưa con tới trung tâm tiêm chủng, tôi được bác sĩ tư vấn rằng các vắc xin phòng bệnh dại không nguy hiểm như những lời tôi được nghe từ trước đến nay cho nên tâm lý của tôi thoải mái hơn rất nhiều và tôi nghĩ việc tiêm phòng dại rất cần thiết.
|
Vắc xin phòng dại rất đảm bảo và rất hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh dại. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 2.500 người đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại và hơn 400 người phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại do vết cắn sâu hoặc ở gần những khu vực nguy hiểm như gần thần kinh trung ương. Điều đó cho thấy, nhiều người dân đã ý thức được biện pháp duy nhất để không mắc bệnh khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vắc xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, vai trò của vắc xin trong việc tạo kháng thể cho cơ thể đã được ghi nhận rất nhiều. Vắc xin dại hoàn toàn khác với các loại vắc xin khác. Vắc xin dại được ví như là vắc xin để điều trị dự phòng bệnh dại. Những vắc xin dự phòng khác khi tiêm vào sẽ phòng được bệnh đó, nhưng vắc xin dại khi bị chó, mèo nghi dại cắn, cào thì sẽ tiêm vắc xin dại với mục đích để điều trị. Bên cạnh vắc xin còn có kháng huyết thanh. Tùy mức độ vết thương và tùy vị trí bị cắn, cán bộ y tế sẽ có tư vấn cụ thể để tiêm vắc xin hay vừa tiêm vắc xin kết hợp huyết thanh.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, hiện nay vắc xin phòng dại rất đảm bảo và rất hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh dại. Trước đây khoảng 15 năm, Việt Nam có sản xuất vắc xin phòng dại. Nhưng công nghệ thời điểm đó vắc xin được sản xuất từ mô của của não chuột nên có một phần nhỏ nào đó tác dụng phụ của vắc xin khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, Bộ Y tế Việt Nam đã ngưng sản xuất vắc xin từ não mô chuột và tiến hành nhập khẩu các loại vắc xin phòng dại từ nước ngoài được sản xuất bằng công nghệ tế bào. Các loại vắc xin này được sản xuất rất tốt và đến thời điểm này không ghi nhận các tác dụng phụ như trước đây. “Tôi khẳng định rằng người dân có thể yên tâm về vắc xin phòng dại vì vắc xin an toàn cho sức khỏe, không ảnh hưởng đến hệ thần kinh của cơ thể”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.
Sau khi bị chó cắn, mèo cào, người dân cần xử lý vết thương đúng cách. Đây là việc làm hết sức quan trọng và có tác dụng rất lớn trong việc loại bỏ đi một số độc tố của vi rút. Nếu xử lý tốt vết thương sẽ hạn chế được nồng độ vi rút xâm nhập vào cơ thể. Sau khi bị chó mèo cắn, cần dội thẳng vết thương dưới vòi nước chảy từ 5-10 phút. Dưới áp lực của nước, vi rút nằm ở vết thương sẽ được tống ra ngoài. Sau đó dùng bông, gạc lau nhẹ vết thương. Đặc biệt không được băng kín vết thương vì khi băng kín, vi rút có thể phát tán. Có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn để bôi vết thương, tuyệt đối không dùng thuốc nam để điều trị và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và phải tiêm vắc xin. Theo bác sĩ Lê Phúc, sau khi bị chó cắn, nếu nhốt chó lại và theo dõi, sau 10 ngày nếu con chó còn sống thì sẽ tiêm 3 mũi vắc xin. Nếu không quản lý được con chó đã cắn mình thì người dân sẽ tiêm 5 mũi. Mũi đầu tiên sẽ tiêm vào ngày đầu tiên bị chó cắn, 3 ngày sau sẽ tiêm mũi 2, 7 ngày sau mũi 2 sẽ tiêm mũi 3, 14 ngày sau và 21 ngày sau sẽ tiêm mũi tiếp theo. Hoàn thành 5 mũi tiêm sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng dại. Ngoài ra nếu vết thương phức tạp hoặc vết thương gần vùng thần kinh trung ương cán bộ y tế sẽ tư vấn thêm để vừa tiêm vắc xin vừa tiêm kháng huyết thanh để trung hòa độc tố của vi rút dại.
Bệnh dại có một đặc thù là ủ bệnh, phát hiện rất muộn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể lâu hơn vài tháng thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Vì thế, có người bệnh khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết gì của chó cắn, thậm chí người ta đã quên mất việc bị chó cắn. Khi bị phơi nhiễm với vi rút dại, đặc biệt là với những vết thương lớn, gần thần kinh trung ương, người dân tuyệt đối không nên chần chừ và chờ đợi, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chó, mèo, động vật cắn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác