15/05/2024 07:05
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có thể lan rộng thành dịch. Hiện nay, sởi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng sởi cũng là một trong những bệnh có thể phòng ngừa. Trẻ nhỏ được tiêm đủ hai liều vắc xin sẽ tăng khả năng bảo vệ lên đến 97%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh Sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Tại Việt Nam, theo WHO, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm bệnh sởi. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, có hơn 20.000 trẻ 18 tháng được tiêm sởi – rubella, đạt hơn 67%. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 4/2024, đã hơn 6.800 trẻ được tiêm vắc xin sởi – rubella, đạt 23,4%. Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Có thể thấy tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trên toàn tỉnh hiện nay chưa đạt ngưỡng đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Do đó, nguy cơ bùng phát bệnh sởi là rất lớn. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhi mắc bệnh sởi tại huyện Buôn Đôn. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin chưa cao và đã ghi nhận ca bệnh sẽ khiến dịch bệnh rất dễ lây lan và gây dịch nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Theo bác sĩ Lê Phúc, để chủ động phòng chống bệnh sởi, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin sởi. Người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-97%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng, trẻ sẽ có miễn dịch chống lại bệnh. Nếu có mắc bệnh, mức độ bệnh sẽ nhẹ hơn và ít gây các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khác như sau: Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng của bệnh sởi.
|
Trẻ được tiêm phòng vắc xin sởi tại Trạm Y tế phường Ea Tam.
|
Bệnh sởi có các triệu chứng đặc trưng là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn. Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu trẻ bị sốt thì cần cho trẻ uống đủ nước. Nếu trẻ sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol) theo hướng dẫn. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài không hạ, trẻ thở nhanh, nôn ói, bỏ bú, li bì, khó đánh thức và co giật thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị. Đối với phụ nữ mang thai bị mắc sởi nên đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có phác đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác