29/01/2016 12:00
Những ngày giáp tết Bính Thân 2016, những người nằm điều trị tại các bệnh viện đều được người nhà khẩn trương làm các thủ tục xuất viện để kịp về nhà vui xuân, đón tết cùng với gia đình. Nhưng với các bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, có lẽ họ chẳng bao giờ có được cái không khí đầm ấm, vui tươi đó. Cô Lương Thị Thanh Nga- Điều dưỡng trưởng khoa Nam, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết: “điều trị bệnh nhân tâm thần, đòi hỏi sự kiên nhẫn, có thể mất hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm hoặc suốt đời. Đáng buồn là một số gia đình có người thân bị tâm thần, sau khi đưa đi khắp nơi chữa trị, tiền hết mà bệnh vẫn chưa khỏi nên đâm ra chán nản, không quan tâm, thậm chí bỏ rơi người bệnh cho các bác sỹ”.
Cô Lương Thị Thanh Nga- Điều dưỡng trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk đang trò chuyện với bệnh nhân
Năm nay đã là năm thứ 5 kể từ ngày em Nguyễn Đình T ở thôn 13 xã Ea Tiêu huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk nhập viện do mắc bệnh tâm thần phân liệt. Từ thời gian đó đến nay, em chưa một lần được gia đình đón về thăm nhà mặc dù các bác sỹ cho biết bệnh của em đã khá lên rất nhiều. Cô Lương Thị Thanh Nga- Điều dưỡng trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian đầu khi mới nhập viện, em T cũng được gia đình tới thăm nom thường xuyên, thế nhưng, nhận thấy bệnh tình em T ngày càng nặng, vài năm gần đây gia đình em hầu như không đến thăm nữa, mọi sinh hoạt hằng ngày cũng như ăn uống của T đều do các y, bác sỹ ở bệnh viện chăm sóc hoàn toàn”.
Theo chị Phan Thị Kim Thủy- Phó phòng điều dưỡng, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Theo quy định, bệnh nhân tâm thần muốn nhập viện phải có người thân đưa đến. Thế nhưng có nhiều trường hợp, sau khi làm thủ tục nhập viện song họ lại cố tình khai báo sai nơi cư trú, địa chỉ để chúng tôi không liên lạc được. Như trường hợp của ông Hà Quảng B, sinh năm 1967 ở tỉnh Đắk Nông vào Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk đã được hai năm nay. Qua thời gian điều trị, thấy bệnh đã ổn nên Bệnh viện thông báo cho gia đình đến đón. Thế nhưng gọi năm lần bảy lượt, gia đình không nghe máy. Thậm chí, Bệnh viện đã cho xe đưa ông B về tận nhà, nhưng gia đình cứ chối đây đẩy, không chịu nhận. Thế là cả đoàn phải nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp, kết quả nhận được câu trả lời là trước khi mắc bệnh, bệnh nhân không có hộ khẩu tại đây”.
Hiện nay, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk đang điều trị nội trú cho 50 trường hợp mắc các bệnh, như: trầm cảm, tâm thần phân liệt, động kinh….trong số đó, có khoảng 1/3 bệnh nhân được người nhà chăm sóc, lui tới bệnh viện thường xuyên, còn 2/3 bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi. Với những trường hợp bị bỏ rơi, Bệnh viện và các Khoa điều trị vẫn phải chăm sóc y tế và lo ăn ở cho bệnh nhân trong khi Khoa không có quỹ hay nguồn kinh phí nào cho những trường hợp như thế này. Tuy nhiên, ngoài nguồn kinh phí của UBND tỉnh hỗ trợ cho bệnh nhân lang thang cơ nhỡ đang nằm điều trị tại bệnh viện một ngày 35.000 đồng, thì Bệnh viện cũng đã vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn miễn phí cũng như tặng các nhu yếu phẩm khác cho bệnh nhân tâm thần thường xuyên liên tục, như: Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Tu viện Vinh Sơn, thành phố Buôn Ma Thuột, quán nhậu Phú Mập, thành phố Buôn Ma Thuột. v.v….
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy- Phó trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk thổ lộ: “Sự quan tâm của các tổ chức cá nhân, các đơn vị từ thiện ghé thăm và hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần thường xuyên như vậy khiến chúng tôi rất cảm kích. Điều này giúp chúng tôi có điều kiện tốt hơn để có thể thay thế thân nhân người bệnh chăm lo cho họ, góp phần giúp họ vơi đi nỗi đau bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay, một số tổ chức, cá nhân đến bệnh viện phát cơm mà không thông báo hoặc không đăng ký với Bệnh viện nên có ngày Bệnh viện tiếp đón từ 4 đến 5 đoàn, cũng có ngày không có đoàn nào. Đặc biệt, các loại thức ăn mà các đơn vị mang vào làm từ thiện đều không rõ người đứng đầu chịu trách nhiệm nên khó có thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, thời gian tới, Bệnh viện mong muốn các tổ chức từ thiện cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với Bệnh viện để những bệnh nhân tâm thần có được chỗ dựa vững chắc, tiếp tục sống tốt trong quảng đời còn lại./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác