12/09/2024 03:56
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bệnh sởi có diễn biến khá phức tạp, số ca mắc bệnh liên tục gia tăng. Với phương châm “phòng hơn chống”, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trong nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đạt trên 90% và không ghi nhận ca mắc sởi. Tuy nhiên, trong năm 2014 ghi nhận 102 trường hợp mắc sởi; Đến năm 2018 ghi nhận 55 trường hợp mắc sởi tại 8 huyện, thành phố; Năm 2019 ghi nhận số ca mắc tăng cao 387 trường hợp bệnh tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố; Năm 2020 ghi nhận 45 trường hợp. Từ năm 2021 đến 2023 không ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi. Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 98 trường hợp mắc sởi, không có trường hợp tử vong. Số mắc tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó số ca mắc tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột với 34 trường hợp, huyện Lắk 26 trường hợp, Krông Ana 8 trường hợp, Cư Kuin 7 trường hợp và rải rác ở các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Búk, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ. Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trên phạm vi toàn tỉnh đạt 55,3%, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023. Không có huyện nào tiêm vắc xin sởi có tỷ lệ dưới 80%. Theo bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk: Hầu hết các trường hợp trẻ mắc sởi trên địa bàn rơi vào độ tuổi từ 1-4 tuổi chiếm tỷ lệ 58,2%, từ 5-9 tuổi chiếm tỷ lệ 13,3%, các nhóm còn lại chiếm tỷ lệ 28.6%. Tỷ lệ trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mắc bệnh chiếm tỷ lệ 65,3%, chưa đủ tuổi tiêm chủng 7,2%, tiêm 1 mũi 27,5% và tiêm 2 mũi 0 %. Bác sĩ Lê Phúc nhận định, nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng nhanh thời gian qua là do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng. Tình trạng gián đoạn trong cung ứng vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xib trên toàn tỉnh, dẫn đến tích lũy miễn dịch cơ bản của các bệnh phòng được bằng vắc xin trong cộng đồng giảm dần qua các năm làm tăng cao khả năng xuất hiện các trường hợp bệnh. Khi nguồn vắc xin về đủ, nhiều phụ huynh lại có tâm lý chủ quan, chưa cho con đi tiêm phòng và khi trẻ có các biểu hiện bất thường, không đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để điều trị, cách ly kịp thời làm tăng mức độ lây lan bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay là thời điểm các em học sinh tựu trường khiến bệnh dễ lây lan. Ngoài ra, vừa qua TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi, không ít trường hợp người dân đi từ vùng dịch về tạo ra nguồn lây truyền bệnh. Do đó, bác sĩ Phúc dự báo nguy cơ bệnh sởi bùng phát và lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh rất cao. Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo bệnh sởi không bùng phát, tránh việc dịch chồng dịch, ngành Y tế đã tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch sởi. CDC cùng trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng. Đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu trường hợp nghi ngờ sởi - rubella để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời tại cộng đồng, không để dịch lây lan. Đồng thời tiến hành rà soát, tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi để không bỏ sót đối tượng; bố trí đủ vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh.
|
Trẻ được tiêm vắc xin sởi tại Trạm Y tế xã Cư Êbur. (ảnh: Đình Thi)
|
Là địa bàn ghi nhận số trường hợp mắc sởi cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột với 31 trường hợp, những ngày qua, xã Cư Êbur đã nhanh chóng triển khai các hoạt động rà soát, triển khai tiêm bù, tiêm vét cho toàn bộ trẻ trên địa bàn. Với 3 thôn, 4 buôn gồm hơn 23.000 khẩu, sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc sởi, Trạm Y tế xã Cư Êbur đã nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh bằng cách điều tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh tại cộng đồng, thực hiện cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Song song đó thực hiện ngay việc rà soát, triển khai tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng “lõm” tiêm chủng tại các buôn trên địa bàn xã. Ông Y Suôn Ênuôl – Phó Trưởng Trạm Y tế xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Do địa bàn xã người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, kiến thức người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế và nhiều người chủ quan không đưa con đi tiêm phòng vắc xin nên khi có ca bệnh việc lây lan rất nhanh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh cho người dân trên loa đài, Zalo, Facebook…, từ tháng 8/2024, Trạm đã tiến hành triển khai tiêm bù, tiêm vét cho toàn 7 thôn, buôn với 363 trẻ từ 1 tuổi đến dưới 5 tuổi, đạt trên 85%. Hiện Trạm đang tiếp tục phối hợp với các trường học trên địa bàn, họp các buôn trưởng, nhóm, tổ liên gia để rà soát danh sách các trẻ chưa tiêm sởi và tiến hành tiêm cho trẻ.
Đưa con đến tiêm chủng vắc xin sởi tại Trạm Y tế xã Cư Êbur, chị H’Đi Ê Ênuôl (trú tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Con chị nay gần 39 tháng tuổi. Từ khi sinh ra do cơ thể bé ốm yếu, phải nhập viện điều trị nhiều lần vì viêm phổi nên chị chưa cho con tiêm vắc xin sởi. Những ngày qua, trên địa bàn buôn có nhiều trẻ mắc sởi, bản thân được cán bộ y tế tư vấn về các biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi đối với trẻ nên chị rất lo lắng. Hôm nay, thấy sức khỏe của bé ổn định, chị quyết định đưa con đi tiêm vắc xin để phòng bệnh cho con.
|
Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. (ảnh: Đình Thi)
|
Tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin, để bệnh sởi không bùng phát, ngành Y tế còn đồng loạt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp. Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch như giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh để tổ chức xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lan rộng. Yêu cầu các bệnh viện đảm bảo khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.Chỉ đạo cho ban chỉ đạo chống dịch ngành Y tế và củng cố các tiểu ban chuyên môn kỹ thuật của ngành trong hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc,... cho công tác phòng, chống dịch.
Sởi là bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng như: Viêm tai giữa cấp; viêm phổi nặng; viêm não; tiêu chảy; mờ hoặc loét giác mạc; suy dinh dưỡng... Do đó, để chủ động phòng chống bệnh sởi, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ và đúng lịch: Tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi; Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi; Tiêm vét cho tất cả các trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác